Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Hiệu Minh - Lan man về hòa giải tháng 4

Hiệu Minh
Anh Lê Anh Vũ và chị Hoàng Thanh Hà. Ảnh: HM
Nhớ ngày 30-4-1975, sáng sớm tôi đang ngủ vùi trong ký túc xá sinh viên Żwirki i Wigury ở Warsaw, bỗng bạn bè Ba Lan và các nước kéo đến đập cửa ầm ầm, hòa bình cho Việt Nam rồi. Chúng tôi ôm nhau trong nước mắt. Trong niềm vui vô bờ đó, không một ai nghĩ rằng phải hòa giải sau chiến tranh và tới 4 thập kỷ vẫn chưa xong.

Kể từ ngày ấy, một đứa trẻ sinh ra, nay đã ở tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc – tuổi 40 hiểu mọi sự lý trong thiên hạ”, phân biệt được phải trái, hiểu được ai là người tốt hay xấu, biết việc nên làm hay không.
Kỷ niệm 30-4 năm nay có ý nghĩa đặc biệt, đâu đó lại nói về hòa giải. Hòa giải chi mà dài dằng dặc, 40 năm vẫn còn tiếp tục, dường như đất nước này chưa đến tuổi “tứ thập”.
Mấy tháng trước, nhà tôi tiếp anh Lê Vũ, phu quân của chị Hoàng Thanh Hà cũng là người du học cùng anh Nguyễn Thái Bình. Anh kể vui, 7 tuổi theo cha mẹ di cư vào Nam. Năm 1975, cộng sản đuổi chí chết, chạy tuốt chạy sang Mỹ. Hai người cưới nhau một tuần trước 30-4, di tản 2 ngày trước khi xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lâp.
Tôi đùa, nếu cộng sản xây dựng thành công CNXH tại Hoa Kỳ, anh định chạy đi đâu. Anh cười, chỉ còn cách chào đón và hòa nhập. Chả lẽ sang châu Nam Cực.
Anh trai của anh Vũ là tướng Lê Nguyên Khang từng chỉ huy QLVNCH và Lê Anh Tuấn đã tử thủ khi Sài Gòn sụp đổ. Ông tự sát và có phố mang tên ông trong Eden Center, trung tâm buôn bán của người Việt ở Virginia. Ba của chị Thanh Hà là nghị sỹ quốc hội Sài Gòn.
Cả hai gia đình ra khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Anh chị thỉnh thoảng về thăm phố cũ, nhà xưa, nay đã có người khác ở. Không phải vì thế mà anh chị thù hận với những gì đã xảy ra.
Khi embargo (1994) được bỏ, anh chị thường xuyên về Việt Nam, giúp đỡ bà con thân thuộc bằng khả năng của mình.
Từng là giám đốc bưu điện SG, rất thạo về CNTT, anh Lê Vũ từng giúp Tổng cục Bưu Điện (TCBĐ – Bộ 4T bây giờ) về những xu hướng công nghệ mới, gặp Thứ trưởng Mai Liêm Trực bàn về chính sách mở cửa internet.
Cổng internet đầu tiên 24/7 mở với thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng do anh Lê Vũ chỉ đạo tôi lắp đặt. Chúng tôi mất rất nhiều công sức làm việc với anh Lê Nam Thắng ở bên VTI để kết nối qua nhiều cổng tại nhiều quốc gia trước khi đến Hoa Kỳ.
Sau này WB có dự án đào tạo từ xa, mạng toàn cầu chia sẻ tri thức (GDLN), anh Lê Vũ tác động lên ban lãnh đạo WB giúp hàng triệu đô la cho Trung tâm Thông tin tại Hà Nội và Sài Gòn. Anh vài lần gặp gỡ với ông Nguyễn Thiện Nhân khi đó còn là PCT UBND Tp HCMC để bàn về những xu hướng công nghệ IT trong tương lai, nhất là GDLN.
Anh chị và bà con tại Washington DC. Ảnh: HM
Hồi đó (1998), anh Triệu bên TCBĐ nhờ anh Vũ giúp cho cô gái rượu sang Mỹ du học từ lớp 11 trước khi vào đại học. Với tư cách công dân Mỹ, anh chị bảo lãnh, dù chẳng quen thân gia đình anh Triệu. Anh bảo, trông cháu gái thông minh, nhanh nhẹn, thế nào cũng nên người.
Hồi mới sang, chân ướt chân ráo, anh chị lo cho cháu cả năm trời. Khi cháu vào đại học mới thôi. Sang DC công tác, tôi cũng gặp cháu vài lần. Sau này anh Triệu mất do bạo bệnh, cháu đi phương trời nào cũng không rõ.
Tôi sang Mỹ cũng do anh Vũ giúp, từ đường đi nước bước. Thời gian 11 năm công tác bên Mỹ có đôi chút thành đạt xứ người là do anh thân tình chỉ bảo. Có lần tôi định về VN, anh cười, thời toàn cầu hóa rồi, cứ đi xa sẽ học được nhiều.
Anh tâm sự, khi chưa làm được việc lớn, hãy làm những việc nhỏ trước. Kêu gọi hòa giải nhưng chẳng chìa tay thì hòa giải nỗi gì. Tôi rất thích tính thực tế của anh.
Hỏi anh, khi nào đất nước mình hòa giải xong. Câu hỏi khó nhỉ. Cũng tùy người, tùy việc cụ thể.
Đối với người này coi như đã xong. Nhưng với người kia, từng chịu bom đạn mất mát trong chiến tranh, từng bị giam cầm, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo, từng lên thuyền ra biển tìm bến bờ tự do… ở cả hai phía, thì có lẽ phải đợi họ ra đi. Vết hằn của cuộc chiến không dễ ai quên. Hòa giải rất khó với thế hệ này.
Điều anh Lê Vũ băn khoăn, thế hệ thứ 2, thứ 3 sống ở nước ngoài, nếu không còn nhớ về cội nguồn, thì sau đó mọi sự hòa giải sẽ thất bại. Thế hệ sau có tri thức toàn cầu, có trình độ và tầm nhìn sẽ giúp đất nước nếu họ còn cảm thấy mảnh đất này còn gắn bó. Nếu họ coi Việt Nam là một đất nước nào đó xa xôi như Senagal, Algeria hay Đông Timor như bất kỳ đứa trẻ nào bên Mỹ thì chẳng có lý do để các cháu quay về nơi cha mẹ, ông bà, từng sinh ra và lớn lên.
Thấy nhà này hay đưa các cháu về hè tại Việt Nam, anh chị vui lắm. Anh bảo, đó là cầu nối tương lai, dù không hề đơn giản khi bay qua nửa bán cầu về thăm bà ốm trước khi mất, bởi phải sắp xếp từ chuyện học hành của các cháu, đến công việc của bố mẹ và kể cả kinh tế cũng khá nặng bởi giá vé đâu có rẻ.
Nhớ chuyên vui về họa sỹ Picasso và bức tranh “Hòa giải” có con chim trong bể nước và con cá trong lồng. Có người hỏi tại sao ngược đời như thế, ông bảo, trong sự hòa giải, tất cả đều có thể xảy ra.
Dinh Độc Lập. Ảnh: HM
Khi bàn về 30-4, nếu ai chưa hiểu hòa giải ra sao, hãy bắt đầu như anh Lê Vũ đã làm. Hãy thử suy ngẫm như Picasso cho chim chui vào chậu cá cảnh và cá bay nhảy trong lồng chim, xem có chết đuối hay bị ngạt hay không.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giảng ở World Bank rằng, hôm qua không thể thay đổi, ngày mai chưa biết thế nào, hãy sống thật tốt đẹp cho ngày hôm nay.
Không làm được điều đơn giản đó, thì dù ở tuổi 40 hay cao hơn, cũng chỉ là đứa trẻ lơ mơ về “Tứ thập nhi bất hoặc”, không biết việc gì cần làm, lúng túng tới mức không phân biệt nổi phải trái, ai là thù, ai là bạn, mà người xưa từng nói đến từ mấy ngàn năm trước
HM. Một ngày tháng 4-2015.
PS. Đang chuẩn bị post bài này thấy Thủ tướng đang phát biểu “Mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi… không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc… tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh…”

Không có nhận xét nào: