Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Lãnh đạo thua vì 'tư duy Marxist'?

Đảng thiên tả lớn thứ nhì ở Anh bị thua vì lãnh đạo tuy trẻ nhưng mắc lỗi 'có tư duy Marxist' và thiếu thân thiện với doanh nghiệp, theo bình luận báo chí.
Tuy trẻ, mới 45 tuổi, ông Ed Milliband đã bị cho là 'mắc lỗi có tư duy Marxist'
Bầu cử Anh tuần qua đem lại thắng lợi lớn và khá bất ngờ cho Đảng Bảo thủ và cũng gây choáng váng cho ba chính đảng còn lại: Lao động, Tự do Dân chủ và đảng thiên hữu Anh Quốc Độc lập (UKIP).

Cùng một ngày, vào sáng thứ Sáu tuần trước, khi các kết quả đếm phiếu lần lượt được xác nhận, cả ba lãnh đạo các chính đảng trên, các ông Ed Milliband, Nick Clegg và Nigel Farage đều tuyên bố từ chức.
Đó là là những hành động cứu vãn tên tuổi trong tình thế không hề vinh quang nhưng cũng đáng khen vì cả ba đều nhận trách nhiệm cho thất bại tranh cử.
Từ cuối tuần qua và sang tuần này đã có thêm phân tích rút tỉa bài học vì sao các đảng ở Anh lại thua thảm hại như vậy.

'Tư duy Marxist có hại'

Bài học được nói đến nhiều nhất là của đảng Lao động, thành lập từ năm 1900 và là thành viên các đảng Xã hội thiên tả châu Âu.
Vào đêm kiểm phiếu 8/05, quan chức đảng Lao động chuẩn bị mở champagne đến để mừng chiến thắng vì tin vào các thăm dò dư luận nói phiếu của họ sẽ nghiêng ngửa phiếu với đảng Bảo thủ.
Đáng buồn thay, khi đài BBC loan tin rằng Bảo thủ có thể được 316 ghế nghị sỹ và Lao động chỉ có thể được 230 ghế, họ đã ngã ngửa ra và không ít ủng hộ viên cho Lao động òa khóc.
Kết quả cuối cùng cho họ còn buồn hơn: phe Bảo thủ được 331 ghế, còn Lao động chỉ được 232 ghế, và mất trắng Scotland.
Trong hành động rất văn minh, ông Ed Milliband, con trai của nhà hoạt động Marxist nổi tiếng Ralph Milliband (1924-1994) đã gọi điện chúc mừng ông David Cameron thắng cử.
Có không ít người ủng hộ đảng Lao động đang nhắc lại thời 'vẻ vang' với Tony Blair
Nhưng cũng theo nhà văn Robert Harris, người ủng hộ đảng Lao động lâu năm, thì lý do chính cho thất bại bầu cử của Lao động là 'tư duy Marxist'.
Dù bản thân không theo chủ nghĩa cộng sản và còn rất trẻ, ông Ed Milliband, 45 tuổi, vẫn bị mắc chứng tư duy Marxist.
Đây là thứ tư duy tìm đến một lý thuyết chung chung về xã hội và chính trị rồi tín đồ của nó cứ uốn nắn thực tế cuộc sống sao cho phù hợp với lý luận của mình, Robert Harris bình luận trên trang Sunday Times 10/05.
Mà nhà chính trị cần nhìn thực tiễn như nó hiện hữu và điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp nhằm đạt mục tiêu.
Robert Harris cho rằng ông Ed Milliband cứ tin vào một cái thuyết các báo thiên tả Anh nêu ra, rằng thế giới đang rơi vào một cuộc phân chia giai cấp mới, và đa số dân Anh phẫn nộ trước chính phủ Bảo thủ cắt giảm chi tiêu công.
Đồng ý là có hố sâu ngăn cách giữa thiểu số cực giàu và một số nhỏ rất nghèo, nền kinh tế thời này cũng nâng mức sống cho một số rất đông ở giữa.
Chỉ hướng tới những người 'thua thiệt' trong kinh tế Anh, ông Ed Milliband và bộ máy của đảng Lao động đã đặt cược rằng cử tri Anh đang chán ngấy chính quyền của đảng Bảo thủ và muốn chia lại lợi tức xã hội.
Thực tế lại không phải như thế, và con số khá đông cử tri Anh có thể không ưa đảng Bảo thủ nhưng lại muốn bỏ phiếu cho họ nhằm duy trì các lợi ích kinh tế mấy năm qua.
Mà Anh chẳng là nước hàng đầu trong khối G-7 vượt qua khủng hoảng 2008, và chi tiêu công của chính phủ Bảo thủ trong liên minh với Tự do Dân chủ 5 năm qua chẳng tăng nhiều cho y tế và giáo dục hay sao?
Chính phủ Bảo thủ - Tự do Dân chủ nhiệm kỳ qua cũng nâng trần thuế thu nhập lên, khiến bất cứ ai có thu nhập dưới 10500 bảng một năm thì không phải trả một xu thuế nào hết.

Xa dân và thiếu ý thức dân tộc?

Ngoài ra, như một nhân vật hàng đầu khác của Lao động, ông Trishtan Hunt lý giải, thông điệp của ông Ed Milliband đã bỏ qua cả vấn đề dân tộc chủ nghĩa ở xứ Anh (England), và Scotland, điều cử tri hai nơi này suy nghĩ nhiều nhất.
Quả vậy, kết quả bầu cử khiến phân bộ Scotland của đảng Lao động Anh coi như tan rã, vì không được một ghế nghị sỹ nào.
Tại xứ Anh thì người lao động bình dân lại có vẻ bị đảng thiên hữu UKIP cuốn hút, và ít nhất 4 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho đảng này.
Đây quả là bài học lớn không chỉ cho các đảng phái cánh tả tại Anh mà còn là lời nhắn gửi cho các đảng phái tả trên toàn châu Âu.
Vì làn sóng thiên hữu đang dân lên trên toàn châu lục là có thật.
Người lao động bản địa ở các nước này cũng lo ngại mất việc thực khi có thêm di dân nhập cư vào.
Nói như một tờ báo Anh thì vấn đề di dân trở thành vấn đề giai cấp.
Với giới trung lưu sống nơi đô thị như London thì có thêm người Đông Âu, châu Á nhập cư cũng có nghĩa là sinh hoạt văn hóa sẽ phong phú hơn, các quán ăn sẽ đa dạng hơn.
Tâm lý bài ngoại và lo ngại 'người nhập cư' đang bị khai thác khác nhau ở Anh
Nhưng với giới lao động bản địa Anh, bức tranh lại không đẹp như thế vì họ phải cạnh tranh trực diện với người nhập cư trong các ngành chân tay, dịch vụ, từ lái xe, chuyển hàng hóa, làm quán ăn...
Tâm lý bài ngoại và lo ngại 'người nhập cư' đang bị khai thác khác nhau ở Anh và cũng có thể mang màu sắc phân biệt chủng tộc.
Tuy thế, theo ông Trishtan Hunt thì một lãnh đạo mới của đảng Lao động không thể nào cứ né tránh chủ nghĩa dân tộc Anh (English nationalism) hay câu hỏi về chủ nghĩa dân tộc nói chung mà dư luận Anh và châu Âu đều băn khoăn.

Làm doanh nghiệp sợ

Cùng lúc, có ý kiến nói nếu không muốn bị 'vĩnh viễn ngồi ghế đối lập', đảng Lao động Anh cần bỏ xu hướng thiên tả quá mức của ông Milliband và trở lại đường lối trung tả của Tony Blair.
Xu hướng Marxist muốn 'lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo' và nhấn mạnh công bằng xã hội.
Nhưng tâm lý 'nhắm bắn' người có của, tăng thuế cũng khiến doanh nghiệp mất động lực làm ăn, phải bỏ nước ra đi hoặc khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút sang nước khác.
Tin mới nhất hôm 10/05 cho hay triệu phú Alan Sugar tuyên bố không ủng hộ đảng Lao động nữa vì cho rằng chính sách của đảng này 'không thân thiện với doanh nghiệp'.
Đảng Lao động Anh nay phải 'tìm lại linh hồn đã mất'
Là người xuất thân bình dân từ Đông London, ông Sugar còn nổi tiếng với chương trình truyền hình The Apprentice, dạng reality TV, chọn người trẻ tuổi vào làm trợ lý cho các thương vụ của ông và là người từng góp nhiều tiền cho Lao động.
Tin này hẳn càng làm cho những người thuộc phái Blair cũ có thêm sức mạnh kéo đảng Lao động về phía thân thiện với 'người có của' hơn.
Bản thân ông Blair từng nổi tiếng với câu nói rằng 'phe Tả hay Hữu không quan trọng, miễn là được việc'.
Phái phản bác lại, như bài của Zoe Williams viết hôm 11/05 trên báo The Guardian, thì quan niệm ai làm lãnh đạo cũng không quan trọng vì đảng Lao động Anh thực sự phải 'tìm lại linh hồn cánh tả' thực thụ đã bị mất đi những năm qua.
Và bài học từ thất bại của đảng Lao động Anh cũng có phần nào giá trị cho mọi đảng chính trị khác thời nay.
Nếu lãnh đạo mắc phải tư duy ý thức hệ cứng nhắc, bỏ qua tâm lý dân tộc chủ nghĩa, lại đề xuất những chính sách như thuế cao làm giới doanh nghiệp sợ thì thật khó mà làm chính trị thành công.

Không có nhận xét nào: