Pages

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

"Mỹ còn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không dám nổ súng"

 "Chừng nào quân đội Mỹ còn duy trì sự hiện diện của họ trong khu vực, chừng đó phạm vi triển khai sức mạnh của Trung Quốc sẽ rất hạn chế".

                                              Giáo sư Kim Tae-ho, ảnh: The Korea Herald.

The Korea Herald ngày 25/5 đăng bài phỏng vấn Giáo sư Kim Tae-ho từ Khoa Nghiên cứu quốc tế Đại học Hallym về chính sách ngoại giao hai mặt của Trung Quốc và cách ứng xử của Hàn Quốc, trong đó có đề cập tới những căng thẳng trên Biển Đông. The Korea Herald đặt câu hỏi, Trung Quốc đã xây dựng một hòn đảo nhân tạo (thực tế là 7 đảo nhân tạo, xây dựng bất hợp pháp) trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và theo đuổi chính sách hàng hải ngày càng hung hăng, ông Kim Tae-ho có bình luận gì về ý đồ thực sự của Trung Nam Hải.

Giáo sư Kim Tae-ho cho rằng: "Trung Quốc được cho là đã xây dựng 1 hòn đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông (thực tế Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép trên cả 7 bãi đá: Chữ Thập, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi, Ga Ven, Châu Viên và Vành Khăn xâm lược của Việt Nam từ 1988, 1995, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, vốn hoàn toàn không có tranh chấp - PV). Bắc Kinh đang dần mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nhưng tôi tin rằng khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo tranh chấp (Trường Sa) là không cao"

"Trong thực tế chỉ có 2 trường hợp xảy ra và đều chống lại Việt Nam, một là năm 1974 (Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), một vào năm 1988 (Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV)", Giáo sư Kim Tae-ho lưu ý. Ông cho rằng tất nhiên Trung Quốc có thể triển khai và tập trung "tài sản quân sự" của họ cho một khu phòng thủ, có nghĩa là vẫn tồn tại khả năng Bắc Kinh dùng sức mạnh quân sự để đánh chiếm một mục tiêu cụ thể trong quần đảo Trường Sa.

Nhưng lý do tại sao Trung Quốc không thể sử dụng vũ lực để đánh chiếm bất kỳ thực thể nào ở Trường Sa hiện nay là bởi vì, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả ngoại giao nghiêm trọng quá lớn. Thứ hai, quân đội Mỹ vẫn đang hiện diện để duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên biển. "Chừng nào quân đội Mỹ còn duy trì sự hiện diện của họ trong khu vực, chừng đó phạm vi triển khai sức mạnh của Trung Quốc sẽ rất hạn chế", Giáo sư Kim Tae-ho bình luận.

Một vấn đề nữa là liệu Trung Quốc có đủ sức duy trì sự hiện diện quân sự (tốn kém) của nó ở một nơi quá xa hay không. Quần đảo Trường Sa cách Trung Quốc quá xa, khoảng 1800 km tính từ phía Nam đảo Hải Nam đến bãi James mà Bắc Kinh gọi là Tăng Mẫu ở cực Nam Trường Sa. Như vậy do khoảng cách địa lý, Trung Quốc khó có thể duy trì sức mạnh trên khu vực này trong một thời gian dài.

Hải quân Hoa Kỳ đang tính tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa để tuần tra, giám sát vì đó là không phận, vùng biển quốc tế.

Cẩn thận với chính sách "hai mặt" của Trung Quốc

Tuy nhiên Giáo sư Kim Tae-ho lưu ý tính hai mặt trong chính sách của Trung Quốc cần phải được xem xét cẩn thận. Mặc dù Bắc Kinh luôn tuyên bố về (cái gọi là) ý định hòa bình, nhưng thực tế nó đã chứng minh một khía cạnh thực dụng trong chính sách đối ngoại. Tháng 10/2013 khi Trung Quốc tuyên bố nguyên tắc ngoại giao "chân thành cùng có lợi" thì chỉ 1 tháng sau họ đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông chồng lên không phận, vùng nhận diện phòng không các nước láng giềng.

Trong một động thái có liên quan, tạp chí Time hôm nay bình luận Biển Đông đang trở thành một quả bom hẹn giờ của Trung Quốc khi Bắc Kinh liên tục "ủi cát vào con mắt của thế giới" bằng cách liên tục bồi lấp, tạo ra các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc tiếp tục hoạt động bồi lấp xây dựng và cộng đồng quốc tế hiện nay không có cách nào ngăn chặn, đối đầu quân sự ở Biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn cần phải củng cố thêm sức mạnh quân sự trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền trước khi một thách thức như vậy nổ ra.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris nói với Time: "Họ đã bồi lấp xây dựng ở đó với một tốc độ đáng kinh ngạc chỉ trong một vài tháng. Chúng vẫn đang tiếp diễn. Họ cũng đã thực hiện các dự án xây dựng lớn trên các đảo nhân tạo. Theo quan điểm của tôi, mục đích của hoạt động này là quân sự, bao gồm xây dựng đường băng và hải cảng lớn".

Hiện tại Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm ở khu vực này, các quan chức Mỹ tin rằng cuối cùng nó sẽ được gắn vào một mạng lưới tên lửa phòng không và có thể bắn hạ bất kỳ máy bay nào đi qua khu vực. Khi đã có hệ thống hỏa lực phòng không (bất hợp pháp) ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ củng cố yêu sách của mình. Bắc Kinh đang xây dựng một "tàu sân bay cố định" cách họ khoảng 1000 dặm, và không ai biết rõ hơn Hải quân Mỹ giá trị của một sân bay giữa biển khơi. Chắc chắn nó không thể di chuyển, và cũng không thể chìm được.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: