Pages

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

NEP có liên quan gì đến nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam?

NEP là phiên âm từ tiếng Nga Novaya Ekonomicheskaya Politika tức là Chính sách kinh tế mới của Lenin, còn gọi là Chương trình cải cách kinh tế diễn ra ở Liên Xô từ năm 1921 đến năm 1929.

Cuộc cải cách mở cửa của Trung Hoa lục địa từ năm 1976 và Cuộc đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 được một số người xem là áp dụng mô hình NEP.

Ở Trung Quốc cuộc cải cách mở cửa có tên là cuộc cải cách khai phóng được gắn với khái niệm Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc (Socialism with Chinese characteristics), còn ở Việt Nam thì cuộc đổi mới gắn với khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Socialist-oriented market economy). Tuy nhiên 2 khái niệm này của Trung Quốc và của Việt Nam không hoàn toàn giống nhau, mặc dù chúng được một số người xem là cách áp dụng NEP.

Vào những năm đầu thập kỷ 1980, ông Đặng Tiểu Bình đã gặp ông Armand Hammer là 1 nhà công nghiệp Mỹ đồng thời là nhà đầu tư lớn vào Liên Xô trong thời kỳ NEP để cố tìm được nhiều thông tin về NEP.

Do đó, để hiểu rõ hơn về khái niệm nền kinh tế định hướng XHCN, chúng ta nên trở lại NEP là gì. Tuy vậy, trước khi áp dụng NEP, Lenin đã từng ban hành Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến và Lenin đã từng thiết kế và lãnh đạo thực hiện Mô hình kinh tế xây dựng CNXH (giai đoạn đầu của CNCS), vì vậy chúng ta hãy lần lượt tìm thông tin để hiểu về Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến và Mô hình kinh tế xây dựng CNXH của Lenin, để từ đó hiểu thêm về NEP.

Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến (1918-1921) của Lenin là gì?

Đó là chính sách kinh tế bao gồm 8 chính sách sau đây:

1. Tất cả nền công nghiệp được quốc hữu hóa và áp dụng cơ chế quản lý tập trung nghiêm ngặt.

2. Độc quyền nhà nước về ngoại thương.

3. Kỷ luật nghiêm khắc đối với người lao động. Biểu tình có thể bị xử bắn.

4. Áp dụng nghĩa vụ công ích bắt buộc đối với “tầng lớp không lao động“.

5. Phân chia lương thực – trưng thu thặng dư nông sản từ nông dân theo giá trị tối thiểu để phân phối tập trung cho dân số còn lại.

6. Lương thực và phần lớn hàng hóa được phân phối theo phương thức tập trung.

7. Xí nghiệp tư nhân là bất hợp pháp.

8. Quân sự hóa việc quản lý đường sắt.

Có nhiều quan điểm khác nhau trong sự tranh cãi về mục tiêu của Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến. Riêng nhà sử học Richard Pipes thì cho rằng mục tiêu của nó là để nỗ lực hiện thực hóa ngay lập tức nền kinh tế XHCN.

Chính sách kinh tế này đã giúp những người Cộng sản Bônsêvich (phân biệt với Mensêvich) chiến thắng trong cuộc nội chiến nhưng đồng thời nó cũng đem lại nhiều hậu quả nặng nề:

- Nông dân đã từ chối hợp tác trong sản xuất lương thực.

- Công nhân và dân đô thị di cư về nông thôn để tìm cơ hội nuôi sống bản thân. Vào giữa năm 1918 và 1920, thành phố Petrograd mất đi 75% dân số, Moskva mất đi 50% dân số.

- Giao thương hàng hóa công nghiệp để đổi lấy thức ăn bị ngưng trệ. Dân thành thị đói lương thực và thực phẩm. Xuất hiện thị trường chợ đen.

- Đồng Ruble đổ vỡ dẫn đến quan hệ tiền-hàng-tiền bị đổ vỡ và được thay thế bằng 1 hệ thống trao đổi ngang giá. 90% tiền lương phải chi trả bằng dạng thức ăn chứ không bằng tiền. Đã xảy ra nạn đói giết chết ít nhất 3 triệu người. Đến năm 1921 công nghiệp nặng chỉ còn 20% so với năm 1919.

Những hậu quả trên đưa đến 1 loạt các cuộc đình công của công nhân và nổi loạn của nông dân. Bước ngoặt của tình hình là cuộc nổi loạn ở căn cứ hải quân Kronstadt đầu năm 1921, đã làm Lenin phải bàng hoàng vì trước đó, thủy thủ Kronstadt là một trong những lực lượng ủng hộ Bonsevich mạnh nhất. Nó đánh dấu sự kết thúc của Chính sách kinh tế này.

Mô hình kinh tế xây dựng CNXH của Lenin là gì?

Từ năm 1920, Lenin đã lãnh đạo Liên Xô bước vào xây dựng chế độ XHCN, giai đoạn đầu của CNCS, bằng Mô hình kinh tế do chính ông thiết kế, có các nội dung cơ bản là: “ Công nghiệp hóa + Điện khí hóa + Tập thể hóa nông nghiệp theo kiểu Xô Viết + Kế hoạch hóa tập trung trên phạm vi toàn Liên Xô và trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng “.

Đến năm 1923, Lenin đã phát hiện ra sự thất bại không tránh khỏi của mô hình kinh tế này. Những dấu hiệu của sự thất bại là: Chế độ công hữu dựa trên quy mô toàn trị dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm và triệt tiêu sáng kiến cá nhân. Kế hoạch hóa tập trung trên quy mô toàn Liên Xô dẫn đến muôn vàn trục trặc mà không một Ủy ban kế hoạch nhà nước nào tránh được. Chế độ hợp tác hóa kiểu Xô Viết làm nông dân bất mãn, năng xuất lao động nông nghiệp giảm thấp tệ hại.

Cuối cùng, điều mà Lenin thường giảng cho các nhà lãnh đạo Xô Viết rằng: ”Chế độ mới chỉ có thể chiến thắng chế độ cũ nếu nó tạo ra được năng xuất lao động cao hơn“, lại nghiệm đúng rằng chế độ XHCN mà ông xây dựng đã thất bại khi so sánh với năng xuất lao động của các quốc gia Phương Tây.

Không chỉ có vậy, chế độ toàn trị còn làm hư hỏng cán bộ. Trong Lenin tuyển tập, tập 45, trang 95, Lenin đã viết cho các đảng viên Bonsevich như sau: ”Bọn tư bản thu được nhiều lợi nhuận nhưng chúng biết cách cung cấp cho dân chúng nhưng các anh thì không. Lời lãi thì các anh không thu được. Lý tưởng của các anh thì tuyệt. Nghe các anh nói thì các anh đã trở thành các ông thánh con. Ngay khi còn đang sống, các anh đã đáng lên Thiên đàng rồi“.

Lenin mất vào tháng 2 năm 1924 nên ông chưa kịp sửa chữa những sai lầm của mô hình kinh tế này.

NEP là gì?

Do những hậu quả nặng nề của Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến và Mô hình kinh tế xây dựng CNXH của Lenin, tại Đại hội 10 của ĐCS Bonsêvich, Lenin đã tuyên bố thực hiện chính sách kinh tế mới, gọi tắt là NEP.

Nội dung chủ yếu của NEP là:

- Liên Xô là một liên bang do đảng cộng sản Bonsevich duy nhất cầm quyền và lãnh đạo nền kinh tế.

- Nhà nước Xô Viết cho phép tồn tại có giới hạn một số thị trường,

- Tư nhân nhỏ được phép kinh doanh.

- Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu những của cải mà Lenin cho rằng cần thiết để chỉ đạo nền kinh tế, chẳng hạn công nghiệp nặng, các thành phần ngân hàng và tài chính của nền kinh tế. Theo NEP, ngành công nghiệp do nhà nước nắm giữ được hoàn toàn tự do đưa ra các quyết định kinh tế.

- Nới lỏng một chút các hạn chế về hoạt động chính trị,

- Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất của NEP đem lại là: Thay vì trưng thu thặng dư nông sản, nông dân được phép bán chúng ra thị trường tự do.
Thành tựu và hậu quả do NEP đem lại là gì?

Trong giai đoạn thực hiện NEP, sản lượng nông nghiệp tăng trưởng mạnh. Lúc đó Liên Xô trở thành nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới. Nhưng do các “Trớt nhà nước“ gắn liền với độc quyền, không có cạnh tranh thị trường và thiếu sự giám sát, đã tự nâng cao giá bán hàng, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu. Do giá sản phẩm công nghiệp bị đẩy lên cao, nông dân giấu thặng dư nông sản chờ tăng giá. Điều này biểu hiện thái độ của thị trường đối với NEP. Đảng cộng sản bối rối, dùng các biện pháp hành chính, áp đặt giá với mong muốn giảm giá các mặt hàng sản xuất, ổn định lạm phát, nhằm bù đắp sự khủng hoảng, song các biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường tỏ ra không có kết quả.

Nên lưu ý rằng NEP không phải là chính sách kinh tế thị trường. Lúc đó nền kinh tế của Liên Xô không phải là nền kinh tế đa thành phần. NEP không áp dụng những nguyên tắc và những quy luật phổ quát của kinh tế thị trường, như không lấy sở hữu tư nhân làm nền tảng, không hoạt động theo quy luật cung – cầu, không khuyến khích cạnh tranh minh bạch và bình đẳng. NEP cũng không thực hiện cơ chế giá do thị trường quy định mà do nhà nước áp giá bằng biện pháp hành chính. Các nguồn lực của nền kinh tế do nhà nước phân bổ, làm thay thị trường.

Sau khi Lenin chết vào năm 2014, Stalin đã tấn công cánh tả đang phản đối NEP, trục xuất Trotsky là người đứng đầu cánh tả ra nước ngoài. Sau đó ông ta quay lại tấn công cánh hữu, đứng đầu là Bukharin và Rykov là những người ủng hộ NEP. Cuối cùng Stalin từ bỏ hẳn NEP và thay vào đó bằng Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bắt đầu thực hiện từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất vào năm 1927. Đây là mô hình kinh tế hoàn toàn đối lập với kinh tế thị trường tự do đang thịnh hành ở Mỹ và Phương Tây và trên thực tế mô hình này đã tỏ ra kém hiệu quả.

Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã đưa đến sự phát triển nhanh chóng nền công nghiệp nặng của Liên Xô, tiền đề quan trọng để Liên Xô chiến thắng phát xít Đức trong thế chiến thứ hai nhưng nó cũng đem lại nhiều hậu quả xấu, bộc lộ rõ trong cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ. Đây là cuộc chạy đua rất tốn kém, trở thành gánh nặng kinh tế với cả 2 bên nhưng Liên Xô đã đuối sức vì kinh tế yếu hơn Mỹ nhiều và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991, sau 74 năm tồn tại.

Cải cách Giá – Lương – Tiền ở Việt Nam (1979-1982) diễn ra như thế nào?

Trước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ĐCSVN đã thực hiện chiến dịch cải cách giá – lương – tiền. Vậy chiến dịch này có liên quan gì đến sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN?

Trước năm 1979, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tương tự mô hình của Liên Xô mà đặc điểm nổi bật của mô hình Liên Xô là tập thể hóa nông nghiệp trên diện rộng và phát triển sức mạnh của công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng.

Thời kỳ 1979- 1982, trong khi vẫn duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung , ĐCSVN đã có những chuyển biến về tư duy kế hoạch hóa kinh tế, chính sách thu mua, giá nông sản, khoán sản phẩm. Trong thời kỳ này nền kinh tế có khởi sắc nhưng đồng thời đã xuất hiện những dấu hiệu xấu. Đó là nạn tranh mua tranh bán, đẩy giá lên cao. Các đơn vị kinh tế chạy theo kế hoạch 2 (liên doanh, liên kết) và kế hoạch 3 (làm ăn kiểu thị trường).

Ông Trường Chinh lúc này là Chủ tịch Hội đồng nhà nước, vốn được xem là người bảo thủ, đã có những thay đổi lớn về tư duy, nêu ý kiến cần đổi mới. Tháng 6/1985, ĐCSVN đã họp hội nghị TU 8, quyết định mở chiến dịch cải cách giá-lương-tiền và ông Trần Phương, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (tức Phó thủ tướng) đứng đầu Ban chỉ đạo chiến dịch.

Chiến dịch này có 4 nội dung chính:

1. Tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất,

2. Thực hiện cơ chế một giá trong hệ thống giá cả,

3. Đảm bảo tiền lương thực tế, thực sự bảo đảm cho người ăn lương sống chủ yếu bằng tiền lương, tái sản xuất được sức lao động.

4. Về tiền, để đáp ứng được với giá mới, phải in thêm tiền để tổng số tiền trong lưu thông là 120 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, Việt Nam chưa tự in tiền được, phải nhờ nước ngoài in. In nhiều tiền sẽ tốn thời gian chờ đợi. Để in ít tiền mà vẫn có sức mua lớn, Ban chỉ đạo chủ trương đổi tiền. Một đồng tiền mới đổi lấy 10 đồng hiện hành. Như vậy 12 tỷ đồng tiền mới tương đương 120 tỷ đồng hiện hành.

Chiến dịch này đã hoàn toàn thất bại.

Có các nguyên nhân sau đây:

- Chi ngân sách nhà nước cho tiền lương tăng vọt trong khi thu ngân sách không tăng bao nhiêu.

- Để cứu ngân sách khỏi sụp đổ, tiền được phát hành rất nhiều so với kế hoạch dẫn đến bùng nổ lạm phát.

- Những vòng xoáy điều chỉnh giá-lương-tiền càng làm cho lạm phát nhanh chóng leo thang trong năm 1986. Tiền phát hành nhiều vẫn không đủ. Công nhân không có lương. Vật tư hàng hóa khan hiếm. Giá bán lương thực dù đã tăng 10 lần vẫn không đủ bù đắp chi phí. Hệ quả là sản xuất nông nghiệp đình đốn, đầu tư trong công nghiệp giảm.

Giá cả tăng với tốc độ phi mã. Chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985. Do đồng tiền mất giá người ta lấy vàng làm bản vị khiến giá vàng tăng vọt, nhanh hơn cả tốc độ tăng giá hàng hóa.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vào cuối năm 1985 và năm 1986 đã lộ ra nguyên nhân chính là do cải cách nửa vời, chắp vá giữa cải cách và mô hình cũ là kinh tế kế hoạch hóa tập trung, báo hiệu phải cải cách triệt để, phải đoạn tuyệt hoàn toàn với mô hình cũ. Cuối cùng, với vai trò lịch sử của ông Trường Chinh, đại hội 6 của ĐCSVN vào tháng 12 năm 1986 đã quyết định 1 cuộc đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà 40 năm nay vẫn còn đang tranh cãi, trong đó tranh cãi nhiều nhất là vế định hướng XHCN trong khái niệm này.

Khái niệm này được một số người cho rằng đó là sự vận dụng NEP. Có nhiều so sánh khá tương đồng.

NEP của Lenin được xuất hiện sau thất bại của chính sách kinh tế cộng sản thời chiến và thất bại của mô hình kinh tế xây dựng CNXH của Lenin. Khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN của ĐCSVN được xuất hiện sau thất bại áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Stalin và thất bại của chiến dịch cải cách giá-lương-tiền mà chiến dịch này được phê phán là 1 cuộc cải cách nửa vời. Chúng cũng bộc lộ nhiều hậu quả xấu tương tự nhau và kết quả cùng đưa nền kinh tế phát triển chậm rất nhiều năm so với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Đỗ Bá Phúc

Không có nhận xét nào: