Pages

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Trung Quốc trơ trẽn: Xây đảo ở Trường Sa để thực hiện nghĩa vụ quốc tế

 Ngụy biện trơ trẽn đại loại như bà Hoa Xuân Oánh đưa ra không thể đánh tráo được bản chất hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang làm.

             Bà Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngày hôm qua của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tân Hoa Xã ngày 8/5 dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, việc nước này xây dựng một số tính năng hàng hải (thực tế là các đảo nhân tạo bất hợp pháp, bao gồm sân bay và sẽ trở thành pháo đài quân sự) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là để thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc, cũng như nghĩa vụ trong việc tìm kiếm cứu nạn hàng hải, đảm bảo an ninh hàng hải, nghiên cứu khoa học biển.

Hoa Xuân Oánh trích dẫn vi dụ trong tháng 2/1987 phiên họp lần thứ 14 Đại hội đồng Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) của UNESCO thông qua kế hoạch mới về quan sát mực nước biển toàn cầu đã "giao cho" Trung Quốc xây dựng 5 trong số 200 trạm quan sát biển trên toàn thế giới. Chưa bàn đến thông tin này đúng hay sai, nhưng nó vô giá trị, vô nghĩa, vô lý và phi pháp khi Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

7 điểm đảo mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp họ đã dùng quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988, 1995. Đến bây giờ Bắc Kinh vẫn ra rả tuyên truyền họ có cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi" với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cũng như gần 90% diện tích Biển Đông, nhưng cứ hỏi đến bằng chứng thì Bắc Kinh lại lờ tịt hoặc tìm cách đánh trống lảng. Hoạt động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc hiện nay ở Trường Sa là hoàn toàn phi pháp, vô giá trị vì nó đang được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam - PV.

Bà Oánh nói tiếp, về quy mô xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa, vì Trung Quốc là nước lớn "nhận trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế giao phó", quy mô công trình xây dựng của Trung Quốc cần tương xứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của một nước lớn và đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là tuyên bố khôi hài, trơ trẽn đến mức khó có thể tưởng tượng. Sau khi xâm lược, chiếm đóng 6 bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã dựng lên 6 pháo đài kiên cố, đặt vũ khí và quân đồn trú trái phép.

Pháo đài quân sự kiên cố và binh lính Trung Quốc đồn trú trái phép tại đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Năm 1999, Trung Quốc chiếm tiếp đá Vành Khăn và tuyên bố xây dựng "nơi trú ẩn cho ngư dân". Kết quả là nơi trú ẩn đâu không thấy, một công sự nhà nổi quân sự kiên cố đã mọc lên cùng đầy đủ ụ súng, pháo đài. Ngày nay, trên các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên 7 bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma, Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Châu Viên, Vành Khăn với tổng diện tích lên tới 2000 mẫu Anh, theo Lầu Năm Góc, và vẫn đang tiếp tục phình ra. Pháo đài, ụ súng, tháp canh, radar cũng đã được nhìn thấy.

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong buổi họp báo hôm 8/5 có người đề nghị Bắc Kinh bình luận về việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Việt Nam "cải tạo đất lớn" ở Biển Đông, Hoa Xuân Oánh nói rằng bà chưa thấy báo cáo mà phóng viên đề cập. Nói rồi bà Oánh tiếp tục luận điệu vu vạ, chụp mũ cho Philippines, Việt Nam "từ lâu đã tiến hành xây dựng, cải tạo quy mô lớn" ở cái gọi là "quần đảo Nam Sa".

Trong ngày 8/4, Reuters dẫn nguồn tin từ CSIS nói rằng Việt Nam đã cải tạo, xây dựng căn cứ ở đảo Sơn Ca và bãi đá Tây và dường như công việc này bắt đầu từ trước khi Trung Quốc thực hiện một loạt dự án cải tạo, xây dựng (bất hợp pháp). Mira Rapp Hopper, Giám đốc Sáng kiến châu Á về các vấn đề hàng hải của CSIS nói với Reutes rằng, đúng là Việt Nam có xây dựng, cải tạo ở 2 điểm này, nhưng so với quy mô và mức độ thì thua xa hoạt động xây dựng cải tạo của Trung Quốc.

Bà cho rằng, hỉnh ảnh chụp vệ tinh cho thấy Việt Nam đã mở rộng 65 ngàn mét vuông ở đá Tây và 21 ngàn mét vuông ở đảo Sơn Ca. Nhưng chỉ riêng đá Chữ Thập, Trung Quốc đã bồi lấp 900 ngàn mét vuông. Trước tháng 1/2014 Trung Quốc mới chỉ bồi lấp (phi pháp) được 5 héc ta, nhưng diện tích này đã tăng vọt lên 800 héc ta hiện nay, rộng hơn 400 lần chỉ sau một năm. Diện tích Việt Nam mở rộng kể từ tháng 1/2009 đến nay là khoảng 24 héc ta, Reuters dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

      Ảnh chụp vệ tinh đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc tạo ra ở đá Tư Nghĩa tháng 11/2014.

Vấn đề cốt lõi ở đây đầu tiên là các hoạt động xây dựng, cải tạo của Việt Nam hoàn toàn diễn ra trong vùng biển đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, khác hoàn toàn về bản chất với hành động xâm lược, chiếm các bãi đá và biến chúng thành đảo nhân tạo bất hợp pháp để tiếp tục mục đích bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng họ có "chủ quyền", hãy đưa bằng chứng ra trước công luận quốc tế và chấp nhận để tòa án phân xử. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra được - PV.

Thứ hai, 7 bãi đá mà Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam ở Trường Sa đều đã mọc lên các pháo đài quân sự kiên cố ngay sau đó. Trong bối cảnh vừa bị Trung Quốc chiếm các bãi đá này, xây dựng và liên tục củng cố pháo đài quân sự mà Việt Nam không lo tăng cường phòng thủ, liệu có thể giữ được các đảo, đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của mình hay không? Hoạt động phòng thủ này hoàn toàn hợp pháp, chính đáng, và cần nhấn mạnh rằng Việt Nam giữ đất giữ biển, không lấn của ai.

Thứ ba, ngày nay trên các đảo nhân tạo vừa bồi lấp ở 7 bãi đá này, Trung Quốc tiếp tục củng cố và bành trướng sức mạnh quân sự với ít nhất 3 sân bay manh nha hình thành ở đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, thay đổi căn bản hiện trạng và đang đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định ở khu vực, có thể châm ngòi leo thang xung đột. Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 đã thể hiện rõ mối quan ngại về điều này. Các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Vì vậy, những lời ngụy biện trơ trẽn đại loại như bà Hoa Xuân Oánh đưa ra không thể đánh tráo được bản chất hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Dư luận khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn để phản đối các hành động leo thang gây hấn, bởi một khi xảy ra xung đột ở Biển Đông thì hòa bình, an ninh khu vực bị phá vỡ và có rất nhiều quốc gia bị thiệt hại.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: