Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Benjamin Ngô - Sự nhẫn nại của chúng ta

Benjamin Ngô
Liên tiếp trong một thời gian ngắn, xăng và điện tăng giá, một số thành phố sẽ thu phí đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-7 tới...
Đó là chưa kể những phát ngôn trời ơi từ nghị trường, người Việt vẫn giữ được sự nhẫn nại cố hữu trước những thử thách này.
Thử hỏi nếu không có mạng xã hội, người dân biết thở than vào đâu khi nỗi bức bối từ gánh nặng cơm áo gạo tiền đang ngày ngày chất chồng? Tiền điện tăng 100%, giá xăng dầu được dự báo vẫn theo chiều hướng tăng vọt dù giá nhập giảm tới... 40%, nồi cơm của nhiều gia đình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi thu nhập không tăng kịp theo tương xứng. Nhiều bà nội trợ chắc chắn sẽ chật vật vì phải cắt khoản chi tiêu này, giảm khoản kia để tổ ấm của mình tồn tại.

Người dân vẫn nhận về phần thiệt thòi
Tuần qua, một tờ báo điện tử có bài về chất lượng sống tại Việt Nam thấp hơn Lào. Đây là kết quả cuộc khảo sát trực tuyến của website Numbeo.com - trang web dữ liệu lớn nhất về các TP và quốc gia, dựa trên các tiêu chí: mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, mức độ ô nhiễm và giá nhà đất so với thu nhập.
Bình luận về sự kiện này, một doanh nhân ngành địa ốc chia sẻ rằng từ trải nghiệm của mình, ông nhận thấy người dân Lào, Campuchia không lo sợ mất trộm, không sợ lừa đảo, không sợ thức ăn bẩn và nhiễm độc, không sợ cướp giật, ra đường cũng không sợ TNGT như ở nước ta. Việt Nam có thể giàu hơn Campuchia, Lào, thu nhập bình quân đầu người có thể hơn nhưng cuộc sống kém hơn, người không tin người, ra đường như ra trận, chất lượng sống thấp, đặc biệt sự an toàn đã xuống quá thấp. Đáng quan ngại là ma trận thực phẩm bẩn, độc với rau tắm hóa chất, thịt thối, lạm dụng các chất bảo quản… khiến người ta chết từ từ.
Trong bối cảnh cơ chế chính sách với các mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống như điện, xăng dầu thiếu minh bạch, người dân vẫn nhận về mình phần thiệt thòi và không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế.
Sự chịu đựng nào không có giới hạn?
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vào ngày 26-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là kỳ họp thành công, hợp lòng dân và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh. Tuy vậy, trên Facebook có người vẫn băn khoăn khi một tờ báo dẫn lời Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng bình luận rằng: “Không phải Quốc hội là làm luật”. Theo tờ báo này, ông Dũng ví von: “Giống như con về xin cưới cô này, bố mẹ có thể cho hay không cho nhưng không bảo là phải cưới cô khác. Quốc hội thẩm định luật được hay không được, chứ không phải là Quốc hội lại đưa ra một chính sách mới để yêu cầu thực hiện”.
Trước đó người dân đã từng nhiều phen ngỡ ngàng khi nghe được những phát ngôn trời ơi của một số ông nghị và hoang mang tự hỏi những nhân vật này đại diện cho ý chí cũng như nguyện vọng gì của nhân dân?
Khi đề cập đến thực trạng của xã hội, một doanh nhân đề nghị cần có cuộc vận động từ chính quyền, đoàn thể, tổ chức nhằm nâng cao dân trí, dân khí để mỗi người dân thoát khỏi sức ì, nhìn thấy mình đang sống trong thiệt thòi, nhận biết nghèo đói, tụt hậu là nỗi nhục và cần phải thay đổi một cách nhanh chóng.
Trong cuộc sống sự nhẫn nại là một đức tính tốt nhưng vấn đề là nhẫn nại của chúng ta có giới hạn không?

Không có nhận xét nào: