Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Người Việt xứ Đài còn bị phân biệt?

Khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc
Sau hơn chục cuộc phỏng vấn được chúng tôi thực hiện ở Đài Loan, cảm giác chung là phụ nữ Việt Nam ở đây vẫn bị phân biệt đối xử, tuy đã ít hơn nhiều so với thập kỷ trước.
Và ấn tượng thứ hai, không ngờ có nhiều người Việt Nam ở Đài Bắc đến vậy, mà theo số liệu của Sở Di dân Đài Loan, người Việt ở Tân Bắc vẫn đông hơn cả.

Đi đâu cũng gặp người Việt, từ lúc xếp hàng đợi đóng dấu visa nhập cảnh cho tới lúc đi lơ vơ trên đường phố, vào siêu thị; từ trung tâm thành phố cho tới những nơi xa xôi hơn, chủ yếu là phụ nữ.
Người đàn ông Việt Nam duy nhất tôi gặp trong chuyến đi là một người khoảng 30 tuổi, quê ở Thái Bình, làm việc trong quán ăn ở khu Ximending.
Tôi hỏi chuyện vì thấy anh mặc chiếc áo phông màu trắng đã cũ có chữ ‘Quê hương Việt Nam’. Anh sang lao động và rất thích cuộc sống ở Đài Bắc, vừa kiếm được tiền, vừa văn minh sạch sẽ, tiếng tăm cũng không quá khó, văn hóa lại gần gũi với Việt Nam.
Phụ nữ Việt thì có ở khắp nơi, hay đi thành nhóm và hình như ăn mặc điệu đà, màu sắc hơn phụ nữ bản xứ.
Trong lúc quay phim ở khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, tôi tình cờ nghe chuyện một nhóm chị em, có lẽ sang lao động, nói chuyện về một, hai người Việt khác sang lấy chồng, lời lẽ không mấy thiện cảm.
Những phụ nữ sang theo dạng kết hôn, dường như không chỉ chịu sự phân biệt từ người bản xứ, mà từ cả những người Việt với nhau.

'Thụ động'

Thành phố Đài Bắc với tòa nhà 101, một trong những công trình kiến trúc cao nhất thế giới
Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi liên hệ với Văn phòng Đại diện của Đài Loan ở Anh để hỏi về thị thực báo chí nhưng không gặp được người phụ trách.
Chính ông này sau đó đã gọi tới văn phòng của tôi và hướng dẫn đầy đủ, còn dạy cho mấy câu tiếng Trung để đi mua sắm và dặn chợ nào nên tới thăm. Sau cuộc điện thoại, ông email lại chúc chuyến đi làm việc của chúng tôi được thành công.
Sắp xếp phỏng vấn với bà Lý Lâm Phụng, giám đốc phụ trách vấn đề nhập cư của sở Di dân Đài Loan cũng hết sức đơn giản: gọi điện, hẹn ngày giờ, địa điểm, chủ đề chính của cuộc phỏng vấn, và cứ thế tiến hành.
Sở có phòng tiếp khách và cũng là phòng phục vụ truyền thông rất rộng, bàn ghế gỗ to và nặng, trạm trổ cầu kỳ.
Bà giám đốc có ba người trợ lý đi theo, mỗi người mang theo một chồng hồ sơ số liệu về người di dân mà chúng tôi yêu cầu được biết.
Dù bị tôi chất vấn bằng những chứng cớ và lý lẽ do các nhà hoạt động chỉ trích chính quyền đưa ra, bà vẫn mỉm cười và nói Đài Loan đã làm khá tốt trong việc xử lý vấn đề người nhập cư, tuy nhiên, hiện nay chính phủ ưu tiên những người nhập cư theo dạng đầu tư hoặc những người có kỹ năng cao.
Người nhập cư theo dạng hôn nhân, trong đó có Việt Nam và Indonesia đang giảm dần đều từ ba năm trở lại đây do chính sách quản lý chặt chẽ hơn, ngay từ khâu phỏng vấn ở nước bản địa.
Bà cũng nói, người nhập cư theo dạng hôn nhân giờ đổ sang Hàn Quốc vì chính sách bên đó thoải mái hơn, nhưng nay Hàn Quốc đã sang Đài Loan để học hỏi kinh nghiệm.
Bà Lý Lâm Phụng nói Đài Loan tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ từ Đông Nam Á vì biết họ 'không thoải mái lắm' về mặt tài chính
Trong khi đó, các nhà hoạt động và nghiên cứu về phụ nữ di dân cho rằng, chính phủ Đài Loan ‘cực kỳ thụ động’ trong việc giải quyết vấn đề này.
Bà Hạ Hiểu Quyên, giảng dạy ở Viện nghiên cứu Chuyển đổi xã hội, đại học Thế Tân, và là nhà vận động lâu năm nhằm thay đổi chính sách của chính phủ đối với phụ nữ lấy chồng Đài Loan nói với tôi rằng chính quyền Đài Loan thực ra không hề chuẩn bị để trở thành đất nước của người nhập cư.
“Trước đây quyền công dân được dựa trên dòng máu, chẳng hạn như bạn chỉ có thể là người Đài Loan nếu cả cha và mẹ là người Đài Loan. Thế nên chúng tôi không có chính sách toàn diện trong việc làm thế nào để đối phó với người nhập cư.
“...Các nhà hoạt động có vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra vấn đề trong luật và chính sách để sửa đổi. Rất nhiều điều sửa đổi là nhờ các chiến dịch xã hội,” bà nói.
Hồng Mẫn Chi, một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan và hiện làm cho hội từ thiện chuyên giúp đỡ phụ nữ từ Đông Nam Á sang Đài Loan cũng nhấn mạnh rằng, không có những tổ chức độc lập đi biểu tình, vận động, yêu cầu chính quyền phải thay đổi luật thì sẽ không có được ngày hôm nay.
Chẳng hạn như vấn đề môi giới hôn nhân, theo linh mục công giáo gốc Việt ở Đào Viên, ông Nguyễn Văn Hùng lấy ví dụ, cũng là nhờ có những người làm từ thiện và các nhà vận động như ông liên tục yêu cầu thì chính quyền mới đưa ra lệnh cấm và bất hợp pháp hóa môi giới hôn nhân, và đây là quyết định giúp giảm tình trạng buôn bán phụ nữ.
“Chính sách của chính phủ Đài Loan đã thụ động thì ở Việt Nam lại càng thụ động hơn nữa.
“Ở Đài Loan thụ động như thế nhưng họ còn biết lắng nghe. Chúng tôi một tổ chức phi chính phủ, yêu cầu họp với họ một phiên và lắng nghe.. và họ sẵn sàng làm ngay.”
“Tình hình nhập cư đến Đài Loan lập gia đình bây giờ không có nhiều nữa, không còn xô bồ và nhiều như trước, tôi nghĩ nó đến do sự nỗ lực của chính phủ Đài Loan nhiều hơn là chính phủ Việt Nam.”

'Nghèo và lạc hậu'

Bữa ăn đầu tiên của đoàn tại Đài Loan. Chichu (trái), Hạnh Ly (giữa) và Neal quay phim
Mất khoảng một giờ đồng hồ cả tôi và đồng nghiệp người Đài Loan, ChiChu, liên tục gọi tới văn phòng đại diện của Việt Nam tại Đài Loan thì được một người nhận máy và nói không có ai cho phỏng vấn vì người phụ trách văn phòng đã về Việt Nam “nghỉ lễ 30-4”.
Người này sau đó giới thiệu chúng tôi nói chuyện với ông Vũ Văn Long, Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Đài Loan – là hội người Việt duy nhất được chính phủ chính thức công nhận, người này nói.
Ông Vũ Văn Long sống tại Đào Viên, và khi nghe chúng tôi nói cũng sẽ phỏng vấn một người khác cũng sống tại đây, ông tỏ ra không hài lòng và từ chối phỏng vấn.
ChiChu giải thích với ông rằng, cho tới lúc đó ông là đại diện duy nhất của phía Việt Nam nên nếu ông không muốn trả lời chúng tôi cũng có nghĩa là phía Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tự bảo vệ và giải thích về vị trí của họ trong vấn đề này.
Ông Long lúc đó mới đồng ý cho chúng tôi tới gặp, và gợi ý đúng ngày đó cũng có ngày hội Việt Nam ở Đào Viên.
Ông Vũ Văn Long, hội trưởng hội người Việt Nam tại Đài Loan
Tới nơi thì ngày hội cũng đã kết thúc, khoảng 20 phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp ngồi bên bậc thêm bên ngoài nhà văn hóa, ông Long là người đàn ông duy nhất có mặt ở đó.
Trả lời cho những nhận định không mấy tích cực về chính phủ Việt Nam trong cuộc phỏng vấn, ông Long nói, nhìn chung chính phủ Việt Nam không thể làm nhiều “vì những cô dâu đã đến đây có quốc tịch Đài Loan rồi thì bên Việt Nam không nhúng tay vào được, chỉ có thể có ý kiến”.
“Quan trọng nhất là bên Việt Nam đã hỗ trợ và hỗ trợ rất nhiều con cái của những cô dâu đi qua đi lại và đã tạo những điều kiện rất thuận lợi. Như 5 năm miễn thị thực cả con cả chồng và nếu có chuyện gì riêng thì văn phòng sẽ làm rất nhanh về vấn đề thủ tục.”
Tuy nhiên, khi tôi đưa ra ý này để chất vấn lại linh mục Nguyễn Văn Hùng, ông nói: “Tôi nghĩ chỉ tạo điều kiện cho chồng con về thăm Việt Nam và coi đó là tiến bộ thì cái đó là sai lầm to lớn.
“Việc đi lại là quyền con người, nó không dính dáng gì tới việc anh tạo thuận lợi cho những người này.”
Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Hùng
Một điều bất ngờ khác, là nhiều người Đài Loan coi Việt Nam là một nước nghèo và lạc hậu.
Nhà vận động của hội Phụ nữ Nam Dương, Hồng Mẫn Chi nói rất thẳng thắn với tôi rằng, nhiều người Đài Loan vẫn coi Việt Nam là “nước cộng sản lạc hậu”, “người ta nghi là phụ nữ Việt Nam sang đây lấy chồng chỉ vì tiền chứ không vì tình cảm thiệt.”
Thế nhưng, ý kiến khác cho rằng, những gì chúng ta làm trong cuộc sống này đều nhằm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, và nguyện vọng có cuộc sống đầy đủ hơn là hoàn toàn chính đáng.
Bà Hạ Hiểu Quyên nhắc lại nhiều lần với tôi, rằng những phụ nữ này đang bị “chính quyền [Đài Loan] đối xử như với tội phạm. Họ cũng có nhu cầu, có gia đình và là một phần của xã hội và họ nên được đối xử công bằng.”
Theo số liệu của Sở Di dân Đài Loan cung cấp cho BBC tính đến cuối tháng 4/2015, hiện có 88.642 nam và 65.663 nữ người Việt Nam sống ở Đài Loan, trong đó nam giới chủ yếu sang theo dạng lao động.
Kế hoạch ban đầu của BBC về Tiền Giang quay phim một nhân vật nơi cô sống trước khi đi Đài Loan lấy chồng và phỏng vấn nhà chức trách đã không thực hiện được vì cơ quan phụ trách báo chí ở Việt Nam bất ngờ thay đổi và hoãn chương trình quay phim sang thời gian khác, chỉ hai ngày trước khi đoàn đã mua vé bay vào Việt Nam. Vì thế, BBC không có được tiếng nói phản hồi từ nhà chức trách về ý kiến giới hoạt động ở Đài Loan nêu ra trong chương trình này.

Không có nhận xét nào: