Pages

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

1.460 ngày và... vài phút

Việc VKSND TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Trương Bá Nhàn tại trụ sở UBND phường 13, quận Bình Thạnh vào ngày 11/8 mới đây, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.    




1.460 ngày và… vài phút
           Ông Kiến Xương đến bắt tay, xin lỗi ông Nhàn (Ảnh: Phan Thương/thanhnien.com.vn) 

Nhưng việc buổi lễ lại chỉ diễn ra trong vài phút, rất qua loa, đã khiến dư luận bất bình. Trước đó, ngày 12/12/2001, bà Hoàng Thị Kim Ái bị chết trong nhà với nhiều vết đâm.

 Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện một dấu vân tay trùng với dấu vân tay của ông Trương Bá Nhàn. Lập tức ông Nhàn bị khởi tố về hành vi “giết người”, và bị VKSND TP Hồ Chí Minh truy tố về tội danh trên. Nhưng khi xét xử, TAND TP Hồ Chí Minh nhận thấy căn cứ buộc tội chưa vững chắc, nên đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. 

Ngày 8/6/2006, cơ quan CSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nhàn vì không chứng minh được hành vi phạm tội. Ông Trương Bá Nhàn được trả tự do sau 4 năm (1.460 ngày) tạm giam. 

Và suốt từ năm 2006 đến nay, sau 9 năm trời, ông Nhàn mới được VKSND TP Hồ Chí Minh bồi thường gần 300 triệu đồng và tổ chức buổi xin lỗi công khai nói trên. 

Đến dự buổi lễ có ông Trần Kiến Xương, Chánh Văn phòng VKSND TP Hồ Chí Minh cùng 2 cán bộ của VKS, đại diện lãnh đạo phường, ông Trương Bá Nhàn và bạn bè, người thân của ông. 

Theo mô tả của các báo, thì tại buổi lễ, ông Trần Kiến Xương đã nói lời xin lỗi: “Hôm nay tôi đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh, xin lỗi ông Nhàn và gia đình về những tổn thất mà ông và gia đình đã phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. 

Chúng tôi đã bồi thường đầy đủ cho ông Nhàn theo đúng quy định của Nhà nước. Một lần nữa chúng tôi thành thật xin lỗi ông”. Nói xong, ông Xương bắt tay ông Nhàn rồi… về. Buổi lễ chỉ diễn ra trong vài phút. 

Gây oan cho công dân là các cơ quan tố tụng (Công an, VKS hoặc tòa án). Vì vậy, chỉ người đứng đầu các cơ quan đó mới đủ tư cách đại diện cho cơ quan để xin lỗi công dân. 

Trường hợp người đứng đầu cơ quan không đến được, thì phải có quyết định ủy quyền cho một người trong cơ quan thay mặt mình nói lời xin lỗi. Và trước khi cất lời xin lỗi, người được ủy quyền bắt buộc phải công bố quyết định ủy quyền này. 

Nếu không, buổi xin lỗi trở thành vô nghĩa. Cũng theo các báo, thì buổi xin lỗi không có chương trình công bố quyết định ủy quyền này. 

Lời xin lỗi phải chân thành, phải nêu được quá trình tố tụng vụ án và nguyên nhân gây oan. Xin lỗi xong, phải để cho người xin lỗi phát biểu, xem ông (hoặc bà) ta có chấp nhận lời xin lỗi đó hay không… 

Qua trường hợp ông Nhàn, sau 9 năm kể từ khi được đình chỉ điều tra, mới đòi được tiền bồi thường, cũng như trường hợp ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, kể từ năm 2006 khi VKSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ vụ án, đến nay cũng đã tròn 9 năm, đến phiên tòa do TAND TP Thái Bình mở vào ngày 4/8/2015 mới đây, ông mới được tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình, cơ quan gây oan, phải bồi thường cho ông số tiền thiệt hại, và nhiều vụ án oan khác nữa. 

Có thể thấy các cơ quan tố tụng vẫn chưa thực tâm trong việc bồi thường, khi mình gây oan cho công dân. Dù Nghị quyết 388 của Thường vụ Quốc hội, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có từ lâu.

Vũ Hữu Sự

(Nông Nghiệp)

Không có nhận xét nào: