Pages

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Đảng sẽ lấy tiền ở đâu để chi tiêu?


diệt-tham-nhũng-450x300
Nguyễn An Dân – Sự kiện ngân hàng nhà nước trích 30 ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước vay để chi thường xuyên đang gây nhiều bàn tán trong dư luận. Có nhiều bàn luận góp ý từ người dân cho đến các chuyên gia tài chính về sự kiện này. Qua đây, người viết bài này cũng có vài nhận định về ngân sách quốc gia Việt Nam.
Nguyên tắc chung là chính quyền không thể tự làm ra tiền. Tất cả nguồn thu ngân sách là đến từ đóng góp của nhân dân. Ngoài thuế, còn có các loại phí, lệ phí. Và do đặc thù nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam, lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo thì thu ngân sách còn có phần từ kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp quốc doanh.

Gánh nặng thuế phí Việt Nam cao nhất khu vực
Câu hỏi đặt ra là khi so sánh với các quốc gia trong vùng (Đông Nam Á và Châu Á) thì Việt Nam thực hiện thu đóng góp từ dân thế nào? Chi dùng ra sao mà đến nay quốc gia thì tụt hậu toàn diện, và năm nào cũng nghe chính quyền bội chi (theo báo cáo Quốc Hội)?
Theo phát ngôn mà người viết nghe được từ một quan chức Bộ Tài Chính thì tỉ lệ thu ngân sách/ GDP ở Việt Nam là “thấp so với nhiều nước khác”.  Nhưng theo các thông tin từ các tổ chức và nhà nghiên cứu độc lập thì lại khác.  Theo số liệu công bố tại Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân 2015, thì tỉ lệ thu từ thuế và phí của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực.  Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8% GDP, trong khi ở Việt Nam là 21.6% (Báo cáo của ông Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam).
Như vậy rõ ràng người dân Việt Nam đang phải chịu sự thu thuế- phí cao gấp 1,5-3 lần các nước lân cận tính theo tổng thu nhập, như vậy phát biểu của quan chức Bộ Tài Chính liệu có giá trị gì?
Và theo ước tính sơ bộ của các nhóm nghiên cứu, tính tới năm 2014, tỷ lệ thu ngân sách/GDP đã đạt đến 24% và có khả năng cao hơn.  Nghĩa là nếu một người dân Việt Nam làm ra 100 đồng, anh ta phải đóng tất cả các loại thuế-thu phí cho nhà nước là 21-24 đồng, cao hơn dân Trung Quốc với 17 đồng, dân Thái Lan với 15 đồng, gấp đôi dân Indonesia…
Như vậy so với sức dân, chính quyền thu như thế thì không thể nói không có thu được, thế nhưng vì sao vẫn thâm hụt ngân sách.  Sự kiện hôm nay chính phủ phải “vay nóng” 30 ngàn tỷ đồng cho thấy tình trạng “giật gấu vá vai” đã có vẻ nghiêm trọng.  Dư luận từng đồn đoán là cuối năm 2013 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải sang Singapore vay nóng 1 tỷ USD để có tiền trả lương cho bộ máy công chức phải chăng là có cơ sở ?  Nếu chúng ta phối kiểm thông tin, chúng ta sẽ thấy năm 2014 Việt Nam đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ để trả nợ cho khoản vay này. Theo báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Thế Giới (WB) thì hiện nay tính tổng nợ công của Việt Nam đã vượt quá mức 100 tỷ USD.
Vì sao thu nhiều hơn các quốc gia khác (tính trên tỷ lệ GDP) mà Việt Nam vẫn nợ công gia tăng ? Vậy tiền thu từ dân đã đi đâu và ai đã xài ?
Một cổ hai tròng
Sự hụt hơi của ngân sách công tại Việt Nam hiện nay dẫn đến chính phủ phải nhiều lần đi “vay nóng” vài chục ngàn tỷ để xài như đã nêu trên nó bắt nguồn từ tham nhũng, lãng phí và gánh nặng bộ máy chính quyền gần như gấp đôi các quốc gia khác.
Tham nhũng và lãng phí thì người ta đã nói nhiều, tôi chỉ bàn ở đây gánh nặng bộ máy chính quyền.
Trong hệ thống chính quyền của đa số quốc gia trên thế giới, người dân chỉ đóng góp cho chính phủ với nhân sự và các ban bệ của nó nhằm để vận hành các công tác hành chính thiết yếu cho phát triển quốc gia. Các đảng phái chính trị không được sử dụng tiền ngân sách công cho mục đích chính trị như tuyên truyền tư tưởng, phát triển cơ sở, xây dựng lực lượng đảng viên…
Việt Nam thì khác, ngân sách nhà nước còn phải cung cấp cho các hoạt động của đảng cộng sản. Lương của các quan chức đảng cũng từ công quỹ.  Ngoài ra. các công tác đảng như lý luận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê Nin, phát triển đảng viên, trụ sở làm việc các cơ quan đảng…cũng lấy từ công quỹ. Thế nên so với chi phí chính quyền các nước khác, chi phí dành cho chính quyền của Việt Nam phải chi nhiều hơn, vừa cung cấp cho hệ thống chính phủ vừa cung cấp cho hệ thống đảng mà chính quyền nhiều nước giàu mạnh không có.
Chính phủ có ban gì thì đảng cũng có ban bệ na ná như thế dù tên gọi có thể khác nhau. Chính phủ quản lý báo chí có Bộ Thông Tin và Truyền Thông thì đảng cũng có ban Tư tưởng Văn Hóa tham gia quản lý báo chí…Dù đã qua nhiều lần tinh giản sáp nhập giữa các cơ quan đảng- chính phủ nhưng trùng lắp vẫn còn nhiều. Nếu nói sự trùng lắp này làm tăng 60%-70% chi phí ngân sách công cũng không sai là mấy.
Công dân Mỹ không cần học về tư tưởng Mác –Lê Nin nhưng vẫn bay vào vũ trụ. Nước Nhật không cần theo định hướng XHCN vẫn là cường quốc kinh tế trên thế giới. Như vậy đảng và các ban bệ cũa nó tiêu tiền từ ngân sách quốc gia để hướng nhân dân và đất nước vào các hoạt động này liệu có thiết thực hay không ? Đến bao giờ Việt Nam có những tư thế như các nước đó?
Hội nhập và giải trình ngân sách
Đảng cộng sản Việt Nam hình thành và lớn mạnh đến như hôm nay dựa trên sự hỗ trợ của các đảng cộng sản cầm quyền các quốc gia trên thế giới cùng với việc thu thuế-phí từ nhân dân thông qua trung gian của nó là chính phủ.
Cụ thể là trước đây có đảng cộng sản Liên Xô , đảng cộng sản các nước Đông Âu và đảng cộng sản Trung Quốc… Qua nhiều hình thức, trước đây các đảng này huy động ngân sách quốc gia của họ ủng hộ cho Việt Nam, mà cụ thể là đảng cộng sản Việt Nam đứng ra huy động, kêu gọi và chi dùng trong chi phí cho đảng và chi phí cho quốc gia.
Cũng vì vậy nên luật ngân sách công của Việt Nam lâu nay quy định là các đối tượng nằm trong điều tiết của ngân sách quốc gia là chính phủ, đảng cộng sản và các tổ chức chính trị xã hội. Lâu nay đảng đã có thói quen đồng hóa ngân sách quốc gia và ngân sách đảng là một.
Tuy nhiên, hiện nay các đảng cộng sản trên đã không còn cầm quyền tại các quốc gia đó nữa, nên ngân sách của đảng cộng sản Việt Nam cũng hụt thu một khoản lớn vì mất sự hỗ trợ. Còn đảng cộng sản cầm quyền Trung Quốc thì cũng không hỗ trợ tài chính cho đảng cộng sản Việt Nam như trước 1975 nữa. Hiện nay viện trợ của Trung Quốc dành cho Việt Nam chỉ xếp hạng tầm 20 so với quốc tế, còn lại là đến từ các quốc gia, tổ chức tài chính trong khối tư bản.
Việc vay nợ của Việt Nam hiện nay đang rất cấp bách như dư luận đều biết. Và các tổ chức cho vay quốc tế như IMF hay WB… dĩ nhiên tham khảo hạch toán tài chính quốc gia để xem xét cho vay. Các nhà tài trợ của các nước tư bản không khoái việc tiền thu từ ngân sách quốc gia phải dùng đi nuôi một đảng phái chính trị. Việc sửa luật ngân sách công theo hướng loại trừ các đảng phái chính trị dùng tiền ngân sách là một trong các yêu cầu tất yếu mà họ đòi hỏi Việt Nam phải thực thi để họ xem xét khi quyết định cho vay và viện trợ.
Các nhà tài trợ này đã gây sức ép lên Quốc Hội Việt Nam, yêu cầu tách ngân sách đảng chính trị ra khỏi ngân sách công theo mô hình ngân sách công phổ biến trên thế giới. Chính phủ thì được dùng ngân sách công, còn đảng chỉ được dùng đảng phí và tài trợ từ các nguồn vận động hợp pháp.
Lãnh đạo các tổ chức như IMF và WB không thể giải trình mãi cho hội đồng tài trợ của các tổ chức này về việc vì sao ngân sách đảng Cộng Sản Việt Nam lại nằm trong ngân sách quốc gia mà cứ cho Việt Nam vay nợ. Họ vẫn hỏi nhau tại sao Việt Nam cứ phải đi vay tiền để xây dựng đường sá cầu cống trong khi có một khoản khá lớn khác trong ngân sách công dùng cho việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê Nin hay thi viết về đảng cộng sản Việt Nam…
Chính vì sự lấn cấn này mà đến nay, luật ngân sách công đã phải hoãn lại trong các kỳ làm luật của quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc Hội có tư duy cải cách cũng đã nhiều lần bày tỏ phải nhanh chóng làm luật này, nhưng do “nhạy cảm và tế nhị” như thế nên Việt Nam cứ lần lữa và Quốc Hội phải khất lần với công chúng và quốc tế (đến nay đã 5 năm).
Với tình trạng tham nhũng tràn lan, tiêu xài hoang phí trong hệ thống chính quyền Việt Nam hiện nay, cùng với việc tận thu tiền dân như báo cáo ở Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân 2015 đã nêu ra, thì e rằng tình hình tài chính của Việt Nam đang ở mức nguy cấp, mà việc chính phủ vừa qua phải “vay nóng” từ ngân hàng nhà nước là một thông tin tham khảo. Việc phải tiếp tục vay nợ tư bản và sửa luật ngân sách công như họ đề nghị là việc không thể không làm trong tương lai gần.
Vấn đề quan trọng là nếu tách ngân sách đảng ra khỏi ngân sách quốc gia theo đòi hỏi thực tế từ việc vay nợ như thế, thì đảng cộng sản Việt Nam liệu có còn tiền để vận hành và hoạt động không?
Người viết bài này cho rằng với số đảng phí mà gần 4 triệu đảng viên đóng hiện nay thì rõ ràng không đủ. Còn huy động tài trợ bên ngoài như các đảng phái chính trị tại các nước tư bản thì liệu rằng có bao nhiêu quần chúng còn đủ niềm tin vào đảng để mà ủng hộ tài chính cho đảng hoạt động, phát triển và tuyên truyền? Rõ ràng “nồi cơm của đảng” đang bị đe dọa nghiêm trọng khi Việt Nam đang phải hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế trong tư thế một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng nợ công và nằm trong vùng trũng của phát triển kinh tế trên thế giới.
Vậy đảng sẽ ứng phó như thế nào để chính quyền Việt Nam vẫn vay được nợ tư bản và đảng có thể dứt ra được “cái nhau ngân sách” để không gây gánh nặng cho nhân dân và duy trì được các sinh hoạt đảng trong tương lai sắp đến?
© Nguyễn An Dân
Nguồn: fb saigonpaper
————————–
Kỳ tới: Nguy cơ tài chính của dân và cách giữ nồi cơm của đảng

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ MỸ ĐIỀU RA RẢ ĐẦU TIÊN CỦA CSẢN LÀ CHỐNG SƯU CAO THUẾ NẶNG ĐẾN NAY CƯỚP ĐƯỢC CHÁNH QUYỀN CSẢN CÒN CƯỚP QUA THUẾ PHÍ CÒN HƠN TƯ BẢN XANH THÀNH THẰNG SIÊU TƯ BẢN ĐỎ .TỔ CHA CSẢN CHÓ ĐẺ.