Pages

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Biển Đông trong ván cờ của các cường quốc

Kính Hòa, phóng viên RFA

Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) của Trung Quốc tại một cuộc họp báo chung tại kỳ họp về an ninh ASEAN tổ chức tại Kuala Lumpurngày 05 tháng 8 năm 2015.
Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) của Trung Quốc tại một cuộc họp báo chung tại kỳ họp về an ninh ASEAN tổ chức tại Kuala Lumpurngày 05 tháng 8 năm 2015.
 AFP




Tại kỳ họp về an ninh ASEAN tổ chức tại Kuala Lumpur trong đầu tháng 8/2015, người ta thấy Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ không chấp nhận những hành động ngăn trở hàng hải và hàng không trên biển Đông. Đồng thời người ta cũng thấy những động thái của Nhật bản trong việc liên kết nhiều hơn với một số quốc gia Đông Nam Á.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện đang làm việc cho Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore dành cho Kính Hòa bài phỏng vấn sau đây liên quan tới tình hình Đông Nam Á. Đầu tiên ông nhận định về những tiếng nói mạnh mẽ của Hoa kỳ tại hội nghị an ninh ASEAN vừa qua.
TS Lê Hồng Hiệp: Trong thời gian qua sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung quốc gia tăng, và trong bối cảnh đấy thì tranh chấp biển Đông đã trở thành một vấn đề liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung, và trở thành một địa bàn mà ở đấy hai bên có những sự cạnh tranh nhất định. Chính vì vậy quan điểm của Mỹ là phản đối sự mở rộng của Trung quốc ở biển Đông, đặc biệt là việc xây đảo nhân tạo của Trung quốc ở Trường sa. Đây không phải là quan điểm mới của Mỹ, Mỹ muốn sử dụng các cơ hội để mà trình bày quan điểm này với Trung quốc.
Những nước trong khu vực cần quan tâm theo dõi, vì đây không đơn thuần là tranh chấp biển Đông, về tự do hàng hải nữa mà là vấn đề có liên quan đến hai siêu cường ở khu vực và có ảnh hưởng lâu dài tới tình hình an ninh khu vực.
Kính HòaVề phía Trung quốc thì ông Vương Nghị có nói là họ đã dừng xây dựng rồi. Vậy có thể hiểu đó là một bước lùi của họ không?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi không nghĩ đây là một bước lùi. Trung quốc không dừng lại vì áp lực của Mỹ hay các nước khác xung quanh khu vực biển Đông. Họ dừng vì họ đã hoàn thành việc xây dựng cơ bản ở đó rồi, bây giờ chỉ là việc lắp đặt các trang thiết bị ở đấy.
Kính HòaTrở lại với các quốc gia ASEAN, ông có nhận xét gì về tuyên bố chung của họ về biển Đông?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ rằng Malaysia với vai trò chủ tịch ASEAN lần này, họ đã có những nỗ lực. Lâu nay lập trường của Malaysia đối với biển Đông và Trung quốc là khá nhúng nhường, muốn giữ gìn quan hệ với Trung quốc. Tuy nhiên, vừa qua trong vai trò chủ tịch ASEAN thì Malaysia rất là thành công trong việc xử lý các vấn đề biển Đông và với Trung quốc. Họ đã có vai trò điều phối các bước liên quan để mà có thể đưa ra được các tuyên bố khá là cứng rắn, nhất là tuyên bố của họ về việc xây đảo của Trung quốc chẳng hạn. Đấy là điều thể hiện sự đoàn kết của ASEAN ở một mức độ nào đấy. Mặc dù một số nước trong khu vực vẫn còn có thái độ rất là ngập ngừng trong cái việc nêu ra hoặc lên án hành động của Trung quốc.
Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Malaysia, thì Việt nam cũng tuyên bố là Việt nam và Malaysia sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Điều này cho thấy phần nào là trong bản thân quan điểm của Malaysia trong vấn đề biển Đông và quan hệ với Trung quốc, họ đã có sự điều chỉnh ít nhiều.  Và tôi cho rằng việc này có phần thuận lợi cho Việt nam trong hồ sơ biển Đông.
Kính HòaÔng vừa nói đến sự ngần ngại của một số quốc gia trong việc lên án Trung quốc. Trong một bản tin của phương Tây, họ nói đến các quốc gia đó và chỉ đích danh Cam Pu Chia, Lào, và Miến Điện. Họ dùng từ là các đồng minh của Trung quốc trong khu vực. Ông nhận xét gì về từ này?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ rằng dùng từ đồng minh thì là thổi phồng quan hệ giữa các nước này và Trung quốc, bởi vì đồng minh thì nó không chỉ là chỉ có sự ủng hộ mà còn là những cam kết khác nữa, như là về quốc phòng, về an ninh. Nếu gọi Cam Pu Chia, Lào hay Myanmar là đồng minh của Trung quốc thì tôi nghĩ là chưa phù hợp, nhưng rõ ràng là các nước này họ mềm mỏng trong hồ sơ biển Đông, dặc biệt là còn ủng hộ Trung quốc nữa. Trong số ba nước này thì Cam Phu Chia là có sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Trung quốc.
Còn Lào thì dẫu sao họ cũng có sự giằng co trong việc xử lý quan hệ của họ với Trung quốc và Việt nam. Họ không có thái độ ủng hộ Trung quốc ra mặt, tuy nhiên họ cũng không ủng hộ Việt nam, họ muốn giữ một thái độ trung lập.
Myanmar cũng tương tự như Lào, mặt dù trước đây họ có nghiêng về Trung quốc nhiều hơn. Trong thời gian gần đây họ cũng cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung quốc. Quan điểm của họ về Trung quốc cũng không phải là ủng hộ quá mức, nhưng cũng như Lào, họ ngần ngại trong việc dùng lời lẽ cứng rắn với Trung quốc, bởi vì ảnh hưởng của Trung quốc đối với họ hãy còn quan trọng.
Kính HòaCó những bản tin của các hãng thông tấn quốc tế trước khi bản tuyên bố chung ra đời thì họ nói rằng họ có thấy bản nháp, trong đó Việt nam và Philippines đòi hỏi nên có ngôn ngữ cứng rắn hơn đối với Trung quốc. Vậy thì có phải lần này Việt nam có một thái độ mạnh mẽ hơn hay không?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ rằng kịch bản đó đã diễn ra nhiều lần chứ không phải chỉ là lần này. Vì Việt nam và Phi là hai nước tiền tuyến trong chuyện biển Đông, phải đối mặt với một Trung quốc hung hãn, trực tiếp nhất trên biển Đông, họ là người cảm nhận được sức ép từ sự cưỡng ép của Trung quốc trên biển Đông, chính vì vậy mà lâu nay Việt nam và Phi đều cố gắng lôi kéo sự ủng hộ để có cái sự đáp trả sức ép của Trung quốc. Tuy nhiên, họ cũng bị áp lực ít nhiều bởi vì có những nước trong khu vực có những lợi ích khác biệt không muốn lên án, hoặc có những lời lẽ cứng rắn với Trung quốc.
Kính HòaTrong lúc hội nghị diễn ra thì có tin là Nhật bản sẽ viện trợ không hoàn lại cho Philippines các máy bay tuần thám, rồi Phi sẽ cho người Nhật sử dụng những căn cứ quân sự của họ. Thế thì ông đánh giá thế nào về vai trò hiện nay và tương lai của Nhật bản ở biển Đông?
TS Lê Hồng Hiệp: Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe thì Nhật đang cố gắng tìm lại hoặc phục hồi vai trò của mình trong an ninh khu vực. Một trong những động lực để Nhật bản làm điều đó chính là sự trỗi dậy của Trung quốc.
Trong lịch sử thì Trung quốc và Nhật bản là hai đại kình địch của nhau. Trong thời chiến tranh lạnh thì việc kình địch đó được hạn chế phần nào do vai trò của Mỹ, đặc biệt là hiệp ước đồng minh Nhật Mỹ nó vừa kìm chế chủ nghĩa dân tộc cùng vai trò an ninh của Nhật ở châu Á, đồng thời nó trấn an Trung quốc không phải lo sợ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật bản.
Thời gian gần đây trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ Trung quốc thì Mỹ muốn Nhật có vai trò tích cực hơn và bản thân chính giới Nhật, đặc biệt với Thủ tướng Shinzo Abe, họ cũng muốn có vai trò và tiềm lực quân sự mạnh hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung quốc.
Trong chiến lược lớn của họ, họ không chỉ tăng cường quan hệ với Mỹ, tăng cường vai trò an ninh của mình, mà họ còn muốn hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt ở Đông Nam Á để tăng cường năng lực của họ, đồng thời tạo ra một thế trận về mặt chiến lược để cân bằng sự trỗi dậy của Trung quốc. Thì người Nhật đã chọn hai quốc gia chủ chốt, hai đối tác là Philippines và Việt nam vì hai quốc gia này có vai trò quan trọng trong việc kềm chế sức mạnh của Trung quốc, đặc biệt trong hồ sơ biển Đông.
Tôi nghĩ rằng sự trợ giúp đó phù hợp với lợi ích của cả Nhật cùng Phi và Việt nam. Đây là một điều mà hai quốc gia này hoan nghênh.
Trong thời gian tới tôi tin là sự hỗ trợ đấy còn được tiếp tục, được tăng cường, chừng nào mà sự trỗi dậy của Trung quốc tiếp tục đe dọa an ninh của Nhật bản cũng như Việt nam và Philippines.
Kính HòaXin cám ơn ông đã giành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào: