Pages

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ vì ai?

Phản ứng của các nhà đầu tư cá nhân trên sàn giao dịch chứng khoán tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 28/5/2015 (Ảnh: Chinatopix)
Phản ứng của các nhà đầu tư cá nhân trên sàn giao dịch chứng khoán tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 28/5/2015 (Ảnh: Chinatopix)

Chỉ số chứng khoán mất điểm trên 30% chỉ trong vòng 1 tháng

Sau khoảng 7 năm gần như không có biến động lớn, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đã trải qua một làn sóng tăng điểm cực kỳ mạnh mẽ và liên tục bắt đầu từ tháng 6/2014 cho đến nửa đầu năm 2015. Cụ thể, các chỉ số Shanghai Composite Index (chỉ số tổng hợp Thượng Hải) và Shenzhen Composite Index (chỉ số tổng hợp Thẩm Quyến) đã tăng tới 190%. Bên cạnh việc tăng giá, khả năng thanh khoản của thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, ngày 15/06/2015 đã chấm dứt chuỗi ngày tăng điểm liên tiếp suốt một năm qua với việc xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi TTCK Trung Quốc bắt đầu lao dốc với tổng mức giảm trên 30%. Thị trường đã phải trải qua gần một tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau không đầy 3 tuần hồi phục trước những biện pháp giải cứu của chính phủ, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại hứng một cú sốc mới vào ngày 27/7 khi các chỉ số trượt dốc nhanh chóng ở cả 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Ở Thượng Hải, mức độ rơi tự do của chỉ số chứng khoán trong ngày thậm chí còn là cao nhất trong 8 năm qua.

Nguyên nhân đổ vỡ của TTCK Trung Quốc

Sự đổ vỡ của TTCK Trung Quốc là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

1. Tăng trưởng của thị trường chứng khoán không đi kèm với tăng trưởng kinh tế

Kinh tế Trung Quốc đang nằm trong chu kỳ suy giảm kéo dài. Tăng trưởng kinh tế chậm lại với tốc độ tăng trưởng giảm dần bắt đầu từ năm 2010. Hiện tại tăng trưởng GDP chỉ đạt 7%; hơn nữa, chỉ số PMI (chỉ số tổng hợp về tình hình sản xuất) cũng liên tục giảm về mức 50 từ mốc 55 điểm của năm 2009.

Sự tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường chứng khoán không được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản, và cổ phiếu của Trung Quốc đã trở thành một trong những cổ phiếu được định giá cao nhất trên thế giới. Giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số P/E bị đẩy lên quá cao ở mức hơn 20 lần.

2. Các biện pháp kích thích kinh tế dẫn đến tăng trưởng nóng trên TTCK Trung Quốc

Trong những năm qua, việc kiểm soát thị trường tài chính Trung Quốc luôn nằm trong tay của chính quyền. Do đó, sự sụp đổ toàn phần của TTCK sẽ là một thất bại mang tính thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bước sang năm nay, Bắc Kinh đã phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Hoạt động sản xuất đình trệ và các lĩnh vực xây dựng đã từng một thời bùng nổ nay đã xẹp hơi, khiến hàng triệu lao động nhập cư mất việc làm.

Nhằm kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, chính quyền nước này đã liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia. Kể từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Lãi suất cho vay chủ chốt giảm 3 lần kể từ 11/2014 xuống còn 5,1%; lãi suất tiền gửi chủ chốt giảm xuống mức 2,25%. Tuy nhiên, lượng tiền cho vay lại không đổ vào nền kinh tế thực. Thay vì tái đầu tư, các nguồn vốn được huy động trên thị trường vốn lại quay trở lại thị trường chứng khoán.

3. Khuyến khích mua chứng khoán

Trung Quốc coi thị trường chứng khoán là huyết mạch của nền kinh tế. Bắc Kinh đã chỉ thị cho các phương tiện truyền thông nhà nước khuyến khích đầu tư chứng khoán, theo ông Lawrence W. Reed, chủ tịch Foundation for Economic Education (Quỹ Giáo dục Kinh tế). Trong năm 2014, các công cụ phát ngôn của chính quyền là Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo đã liên tục đăng những bài viết khuyến khích người dân đầu cơ vào cổ phiếu. Trong một bài báo đăng ngày 31/8/2014, Tân Hoa Xã nói rằng “sự phát triển về kinh tế và xã hội sẽ mang lại niềm tin quý báu và sự ủng hộ mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán.”.

4. Giá vàng, giá bất động sản giảm và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền trong dân cư đổ dồn sang thị trường khoán.

Số liệu từ Công ty Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc cho biết hiện có hơn 90 triệu người dân hiện đang tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5/2015, nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. Riêng trong tháng 6/2015, Trung Quốc đã có thêm 7 triệu nhà đầu tư chứng khoán cá nhân.

5. Chất lượng nhà đầu tư thấp do tỷ trọng nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường cao

Số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh tuy nhiên các nhà đầu tư mới đa số đều là các cá nhân có ít kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính cũng như trình độ học vấn thấp. Theo khảo sát của China Household Finance, hơn 2/3 (68%) số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ; tỷ lệ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12%. Ngoài ra, nhiều người mua chứng khoán như là mốt thời thượng, bạn bè của họ đều mua cổ phiếu, và các phương tiện truyền thông và chính phủ liên tục khuyến khích đầu tư. Những người khác thì đánh hơi thấy cơ hội làm giàu, cùng với chính sách cho vay đầu tư chứng khoán nới lỏng nên nhiều người đã vay tiền từ ngân hàng hay các công ty môi giới để mua thêm cổ phiếu. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại một quần thể cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.

6. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao

Tỷ lệ vốn margin/ giá trị số cổ phiếu floating của thị trường Trung Quốc đạt gần 9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển. Trong đó, khoản vay ký quỹ là 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (350 tỷ USD) càng khiến cho TTCK của Trung Quốc trầm trọng thêm. Theo ước tính độc lập của Reuters, khoản vay thực tế vào khoảng 645 tỷ USD bao gồm cả các khoản vay từ hệ thống ngân hàng ngầm. Khoản nợ này được thế chấp bằng cổ phiếu, và khi giá cổ phiếu giảm (giá trị của tài sản thế chấp cũng giảm theo), nhà đầu tư buộc phải bán ra nhiều hơn để đáp ứng margin call (Margin Call là cảnh báo gửi khách hàng đề nghị họ nộp thêm tiền khi chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay bị giảm giá tới một giới hạn nhất định).

“Sự hoảng loạn đang lan rộng khi nhiều nhà đầu tư buộc phải thanh lý do đòn bẩy nợ tài chính. Thị trường càng suy giảm, các nhà đầu tư càng buộc phải bán ra. Đó là một vòng luẩn quẩn”, Zhou Xu, một nhà phân tích thuộc công ty Chứng khoán Nam Kinh, phát biểu với tờ Wall Street Journal.

Trung Quốc nên làm gì?

Thật sự đó là một câu hỏi kém nếu bạn tin rằng lời khuyên tốt nhất đối với các nhà hoạch định chính sách là họ nên bỏ việc và tìm những công việc thật thà hơn, ông Lawrence cho hay. Ở các thị trường tự do, họ biết cách nướng một cái bánh ngon. John Cowperthwaite đã làm thế tại Hồng Kông, và Ludwig Erhard làm thế tại Đức. Các nguyên liệu bao gồm chính sách tiền tệ hơp lý, để thị trường quyết định; quyền tư hữu và pháp quyền; thị trường tự do và khởi nghiệp.

Ông cũng nói thêm, nhưng chúng ta luôn phải lường trước về việc cần phải sửa cái bánh sau khi chính quyền cho thêm đủ thứ linh tinh vào bánh và vặn nhiệt độ lên quá cao. Đó mới là điều khó xử lý.

Sự đổ vỡ vẫn chưa kết thúc. Nếu lãnh đạo Trung Quốc mời thêm các chuyên gia hoạch định chính sách vào một bộ máy vốn đã cồng kềnh, thì sự sụp đổ của thị trường chứng khoán chỉ là một kết cục trong những nỗi lo mà họ sẽ phải đối mặt.

Tâm Minh tổng hợp.

(Đại Kỷ Nguyên VN)

Không có nhận xét nào: