Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Dĩ vãng chẳng còn gì cho ăn mày (Vũ Thạch)

Trong lúc cơn lũ liên tục hàng ngày, hàng giờ - của hàng triệu cán bộ công nhân viên quắc mắt chờ "phong bì", của công an các cấp sừng sộ đòi "bánh mì" -- đang xối xả đục rã chân cột trụ uy tín của Đảng, thì giới lãnh đạo lại được hoàn toàn thuyết phục: (1) nếu "vỡ bình quí" thì sẽ chết luôn "con chuột đang đòi ném đá"; nên (2) toàn bộ nhà chuột, không phân biệt dòng họ, phải xé xác ngay đứa nào đòi "hốt liền, bắt liền, không nói nhiều", dù chỉ mới ở mức hăm doạ miệng.
Chính vì vậy mà nhu cầu kéo lá nho dĩ vãng ra che đậy chỗ hiểm yếu lại càng bức thiết hơn bao giờ hết. Họ tích cực dựng thêm tượng đài, nâng thêm các cố lãnh tụ lên hàng thần thánh, và nhất là kỷ niệm những ngày lễ của Đảng ngày càng lớn. Hiện tượng "ăn mày dĩ vãng" mà ông Hà Sĩ Phu đặt tên nay đã trở thành một ngành công nghiệp quốc doanh.

Nhưng câu hỏi là liệu dĩ vãng, cụ thể như ngày Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) năm nay, có còn gì để bố thí nữa không? 
Trước hết, những sử liệu quốc tế quanh thế chiến 2 và những nhân chứng Việt còn sống, qua phương tiện Internet, đã cho người ta một bức tranh chi tiết để thấy đó chẳng phải là một cuộc cách mạng và lại càng chẳng có công trạng gì của đảng CSVN. Chính lòng yêu nước và nỗi khát khao tự do, độc lập đã thúc đẩy người dân tại Hà Nội nhào ra đường phố lấp đầy khoảng trống quyền lực do quân Nhật rút đi để lại. Rồi người dân sau đó trao tặng quyền lực này cho Việt Minh, một tổ chức lúc đó chưa lộ gốc cộng sản và đang quấn chặt trên mình lá cờ dân tộc - đúng như bài bản Lênin dậy. Vì vậy, dưới ánh sáng lịch sử thật, người ta không thấy đóng góp nào của đảng CSVN trong ngày CMT8.
Hơn thế nữa, Ban Tuyên Giáo càng nói về ngày CMT8 càng nhắc người ta xót xa, uất ức cho máu đồng độì đã đổ ra suốt từ ngày đó. Tất cả hóa ra quá vô ích và chỉ phục vụ cho tham vọng của một vài cá nhân, chứ chẳng vì độc lập, tự chủ, hay giá trị của con người Việt Nam. 70 năm kể từ CMT8 để lại một chuỗi dài liên tục những phản bội. Trong hàng ngũ bộ đội, bắt đầu bằng chính sách phân biệt "đại táo, tiểu táo" kéo dài đến những bà mẹ liệt sĩ quì lạy các ông công an đến cưỡng chế nhà đất hiện nay. Trong hàng ngũ những người dân yêu nước, bắt đầu bằng những người dân đem gia tài ra nuôi Việt Minh rồi bị dán nhãn địa chủ để xử tử kéo dài đến những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược bị ném vào trại phục hồi nhân phẩm rồi đuổi học, đuổi nhà, đuổi việc. Và còn vô số những dẫn chứng khác nữa.
Nhưng có lẽ điều đau lòng nhất mỗi năm vào ngày CMT8 là nhận thức đất nước ngày nay THUA XA cả thời Pháp thuộc. Những gì lãnh đạo đảng lên án chế độ thực dân thì nay đều đang xảy ra ở mức độ trầm trọng hơn hàng chục lần. Tình trạng "sưu cao thuế nặng" thời Pháp thuộc không thấm gì với rừng thuế, phí, nghĩa vụ chính thức và các loại phong bì lớn nhỏ không chính thức của ngày nay. Tình trạng nông dân bị áp bức thời Pháp thuộc khó so được với cảnh cả làng ngày nay bị cướp trắng đất đai mà họ đang sinh sống để trở thành những đoàn dân oan sống lây lất không nhà, hàng thập niên. Tình trạng công nhân bị chủ xử ép thời Pháp thuộc không bằng một góc của tình trạng công nhân bị công đoàn quốc doanh cấu kết với chủ ngoại quốc trấn áp hiện nay, và lại càng quá nhỏ so với tình trạng công nhân Việt bị hành hạ tại nước ngoài để dành hàng trăm ngàn công việc trong nước cho lao động Trung Quốc. Và còn vô số những dẫn chứng khác nữa.
Trong khi đó mọi quyền con người bị chế độ CSVN tước đoạt thẳng tay hơn chế độ thực dân rất nhiều. Trong thời Pháp thuộc vẫn có báo và nhà xuất bản tư nhân, với những cây viết khác biệt chính kiến với nhà cầm quyền, bao gồm cả các cây viết cộng sản; mọi tôn giáo có quyền hành đạo và truyền đạo mà chẳng cần xin phép ai; một hệ thống toà án có cả các luật sư Việt bào chữa thành công cho người Việt trong những vụ tranh tụng với công dân Pháp; một hệ thống giáo dục cho phép những sinh viên Việt xuất sắc theo học những đại học bậc nhất của Pháp, và nhờ thế đã có những nhóm trí thức Việt đấu tranh cho quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam ngay trên đất Pháp, mà chính ông Hồ là một người được họ cưu mang. Nhìn cả núi chứng cớ đó, khó ai có thể chối cãi xã hội Việt Nam đã tụt hậu rất nhiều so với ngay cả thời bị ngoại quốc cai trị, và các quan chức Việt ngày nay ác hơn nhiều so với các quan chức thời thực dân.
Và còn đáng sợ hơn nữa là thực tế: nhà nước thực dân Pháp bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam hơn xa nhà cầm quyền CSVN.Sự thật này tồi tệ đến độ sau khi ký kết hiệp ước biên giới suốt từ năm 1999, lãnh đạo đảng cho đến nay vẫn phải cất giấu nghiêm ngặt các bản đồ biên giới như một loại bí mật quốc gia.
Chính trong tâm trạng quá chán ngán các bài bản của Ban Tuyên Giáo mà trong những ngày dẫn đến kỷ niệm CMT8 năm nay, nhiều người lại tìm đọc và bàn luận về bức thư 20 năm trước của ông Võ Văn Kiệt gởi Bộ Chính Trị. Hoàn cảnh của 2 thời điểm rất giống nhau. Bức thư xuất hiện vào dịp kỷ niệm 50 năm CMT8 và lúc đó cũng đang tiến tới một đại hội đảng với nhiều đấu đá kịch liệt. Trong bức thư này, ông Kiệt dám kêu gọi lãnh đạo đảng hãy thôi đừng bịt mắt nhau và bịt mắt toàn dân. Cái gọi là "4 nguy cơ" mà Bộ Chính Trị kết luận trước đó 1 tháng chỉ là trò vờ vĩnh để che đậy tham vọng nắm quyền bằng mọi giá, kể cả cái giá dìm đất nước và dân tộc trong tụt hậu.
Phải đặt mình trở lại vào không khí nặng nề của thời đó mới hiểu được mức độ chấp nhận nguy hiểm của ông Kiệt, đặc biệt khi các đòn thù đối với ủy viên Trần Xuân Bách còn khá kinh hoàng trong hàng ngũ đảng viên các cấp. Nhiều dữ kiện xuất hiện từ đó đến nay đã cho thấy rõ sự tha thiết của ông Kiệt đối với tương lai đất nước và ý hướng đặt vận mạng đất nước lên trên cái đảng mà ông đã cống hiến phục vụ cả đời. Ông Kiệt cũng là một trong những nhà lãnh đạo cộng sản hiếm hoi còn cảm được cái đau, cái đói của dân chúng, trong lúc đại đa số các lãnh tụ quanh ông đều xem cảnh đói, cảnh chết của dân là cái giá phải trả và sẵn sàng trả để "đi lên CNXH".
Nhưng cũng có người thắc mắc. Chắc chắn ông Kiệt đã biết sớm hơn và rõ hơn cái mà ông Nguyễn Văn An sau này gọi là "lỗi hệ thống", tức những tật bệnh cốt lõi không thể sửa được nếu tiếp tục duy trì hệ thống cai trị hiện tại; hay nói cách khác, nếu sửa được các lỗi đó thì hệ thống cai trị hiện tại không còn là nó nữa. Thế thì ông Kiệt vẫn viết bức thư dài đó cho Bộ Chính Trị để làm gì? Húc vào những cái đầu "4 nguy cơ" đã hóa đá đó thì có ích gì? Câu trả lời khá hiển nhiên: ông Kiệt đã tuyệt vọng trong nỗ lực khuyên can BCT và chỉ mượn lý cớ viết cho BCT để nói với hàng ngũ đảng viên mà không bị kết tội lập bè đảo chánh mà thôi. Chính vì thế mà ngay sau đó, bức thư đã được rò rỉ ra bằng nhiều đường cho nhiều đảng viên. Một trong những người đã trả giá tù tội để chuyển bức thư đó là ông Hà Sĩ Phu.
Thắc mắc kế tiếp: Nếu thực sự mang tâm huyết đó, tại sao ông Kiệt không cùng lên tiếng khi có những đảng viên cao cấp đòi chuyển đất nước sang hướng tự do, dân chủ như các ông Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ? Có lẽ bức thư của ông Kiệt cũng là lời thú nhận sai lầm khi ông chọn thái độ im lặng nhiều lần trước đó, đặc biệt đối với người bạn chí thân như ông Nguyễn Hộ, để rồi đến phiên ông Kiệt cũng chịu hệ quả tương tự. Bức thư của ông cũng chỉ gặp những sự đồng ý ... âm thầm; không ai lên tiếng công khai ủng hộ. Và thế là những tiếng nói can đảm và quí báu từ thượng tầng đảng CSVN, từ Trần Xuân Bách đến Võ Văn Kiệt, cứ vang lên rải rác, riêng lẻ rồi im bặt, chứ không chung lòng, chung sức phát ra cùng lúc để tạo tối đa tác động. Rõ ràng loại suy nghĩ "nếu tụ nhiều tiếng nói lại sẽ bị dập tan sớm" cần phải được xét lại, vì từng tiếng nói đơn lẻ bị dập tan sớm hơn nhiều và uổng phí hơn nhiều.
Khá hiển nhiên ông Kiệt không viết bức thư đó một mình và chắc chắn có nhiều đảng viên và tầng lớp nhân dân chia sẻ khát khao "đặt nước trên đảng" của ông Kiệt. Vì thế, câu hỏi cho mọi người chúng ta, cả trong và ngoài đảng CSVN: nếu có những con người can đảm đứng lên vận động xóa bỏ toàn bộ hệ thống cai trị độc tài trong những ngày tới, chúng ta sẽ làm gì?
Liệu chúng ta có bỏ công tìm hiểu để phân biệt họ với những kẻ tuyên bố mị dân chỉ để giành ghế cao hơn, hay những kẻ làm dáng lương tâm chỉ để hạ cánh an toàn? Liệu chúng ta có tiếp tục im lặng ngồi nhìn cho đến lúc họ bị dập tắt rồi tiếc rẻ, hay sẽ tiếp tay tạo số đông để giúp họ sống còn và tiến lên? Liệu chúng ta có vượt lên trên được các lằn ranh khác biệt chính kiến cũ để cùng tranh đấu cho một Việt Nam mới không còn bóng dáng độc tài?
Lời đáp cho những câu hỏi đó sẽ quyết định số phận cả dân tộc chúng ta có phải tiếp tục "ăn mày dĩ vãng" nữa hay không; có phải tiếp tục che mắt bằng tấm vải "lịch sử hào hùng 5000 năm văn hiến" để khỏi thấy hiện tại nhục nhã nữa hay không.
Vũ Thạch

Không có nhận xét nào: