Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Kami - Các tổ chức XHDS Độc lập với việc điều tra dư luận xã hội

Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển cho thấy, để tạo nền tảng cho một quốc gia phát triển nhanh, mạnh và hài hòa thì ba trụ cột: nhà nước pháp quyền; một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh; một xã hội dân sự trong đó bao gồm các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) Độc lập là ba trụ cột hết sức quan trọng và nhất thiết phải có.

Kết quả hình ảnh cho xã hội dân sựVai trò của các tổ chức XHDS

Theo định nghĩa chung thì "Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,...thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình". Tuy vậy, các tổ chức XHDS có đặc tính chung là các tổ chức hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối của Nhà nước và chỉ khi đó thì các tổ chức XHDS mới có thể hoạt động một cách hiệu quả mà không bị nhà nước kìm chế.

Cho dù chính quyền Việt Nam hiện nay rất lo ngại phong trào vận động cải cách xã hội một cách ôn hòa để chuyển đổi thể chế chính trị của Việt nam từ độc tài toàn trị, một đảng lãnh đạo sang thể chế chính trị đa nguyên mang màu sắc tự do, dân chủ của các tổ chức XHDS. Vì họ cho rằng các tổ chức XHDS dần lớn mạnh lên sẽ tranh giành ảnh hưởng đối với quần chúng của đảng CSVN hiện nay, tới mức có thể đòi chia sẻ quyền lãnh đạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở, vì theo giáo sư Ngô Vĩnh Long thì các tổ chức XHDS là điều kiện hết sức cần thiết cho sự thay đổi chính trị ở Việt nam, khi ông cho rằng: “ Để chuẩn bị cho quá trình thay đổi thì ngay bây giờ phải bắt đầu nuôi dưỡng một xã hội dân sự, qua đó các thành phần trong xã hội có thời gian và điều kiện tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của họ vì lợi ích chung của dân tộc và đất nước.”.

Tuy nhiên, cũng có các ý kiến cho rằng các tổ chức XHDS không là đối trọng với quyền lực nhà nước, như LS. Lê Công Định đã từng nói với BBC rằng: “Khi bầu không khí chính trị-xã hội dần thông thoáng, các nhóm dân sự nhỏ hình thành để bảo vệ lợi ích chung và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong những vấn đề mà họ không được chính quyền giúp đỡ. Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng với nhà nước.". Theo cá nhân tác giả thì đây là một sự tránh né, ít có khả năng thuyết phục.

Nếu hiểu chính trị là những vấn đề liên quan đến việc gìn giữ và tranh chấp quyền lực và XHDS là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,.. thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình. Qua đó sẽ thấy các tổ chức XHDS là các tổ chức hội đoàn luôn có vai trò mang tính đối trọng với chính quyền, song hoạt động của các tổ chức XHDS có vai trò rất cần thiết cho xã hội, vì ở một chừng mực nào đó nó là lực lượng giúp đỡ Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, nhằm để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội ngày một hoàn thiện hơn. Chứ không nên nhìn nhận các tổ chức XHDS tồn tại chỉ với mục đích duy nhất là tranh giành quyền lực với nhà cầm quyền và thực tế cho thấy các tổ chức XHDS ở Việt nam hiện nay chưa có bất kể điều kiện gì gọi là khả dĩ có thể tranh chấp quyền lực với đảng CSVN.

Hiện nay, trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt nam các bên (kể cả nhà cầm quyền) đều đã nhìn nhận và cùng thấy rằng đây là giải pháp tốt nhất có thể dẫn tới thành công. Tuy vậy sự cản trở hay níu kéo của xu hướng bảo thủ là điều không thể tránh khỏi và không thể loại bỏ trong một sớm một chiều như ảo tưởng của nhiều người.

Được chấp nhận tồn tại song còn lúng túng

Những diễn biến về chính trị Việt nam trong thời gian qua đã cho thấy kể cả nhà nước và các tổ chức chính trị mang tính đối lập với nhà cầm quyền đã từng bước tiệm cận với xu hướng này. Điều đó không chỉ được thể hiện tại thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi người đứng đầu Chính phủ đã đề cập tới vấn đề dân chủ và coi đó là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Hay phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển ngày 29/4/2014 tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân tại Hạ Long đã khẳng định rằng: "Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự". Và để khẳng định sự cần thiết cần phải thừa nhận xã hội dân sự, ông Tuyển còn chỉ ra rằng “Nếu xã hội dân sự có thể tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện thì nó sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của nhà nước”.

Việc chính quyền Việt nam hiên nay có xu hướng ngày càng tỏ ra thân phương Tây hơn, cũng như việc họ có nhiều biểu hiện nương nhẹ đối với những hoạt động của các tổ chức XHDS độc lập như Hội nhà báo Độc lập, Hội anh em Dân chủ, Hội Tù nhân lương tâm, Cứu lấy Dân oan v.v... Đặc biệt là việc phá lệ kiểm soát chặt chẽ báo chí, bước đầu chính quyền đã nhượng bộ, chấp nhận việc tự do ngôn luận thông qua việc cho tồn tại web site Việt nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập. Điều khác hẳn đối với việc trấn áp đối với Câu lạc bộ Nhà báo tự do của blogger Hải Điếu Cày trước đây. Điều đó cho thấy bước đầu chính quyền Việt nam đã tỏ ra thân thiện hơn với các tổ chức XHDS Độc lập, đây là điều đáng mừng.

Cần phải thừa nhận rằng sự ra đời và hình thành các tổ chức XHDS Độc lập gần đây là bước đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt nam, tuy rằng các hoạt động của nó vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi và có khả năng thu hút đối với nhiều người. Trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động của các tổ chức XHDS Độc lập vẫn chỉ dừng ở mức bảo vệ quyền lợi, mang tính tương thân, tương ái cho các cá nhân trong tổ chức của mình.

Có lẽ do đặt nặng vai trò đối lập với nhà nước nên các tổ chức XHDS Độc lập đã không có chủ trương hoặc còn e ngại đối với các hoạt động theo xu hướng giúp đỡ Nhà nước, trong việc khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Không những thế những việc làm mang tính tích cực như vậy của các tổ chức XHDS Độc lập sẽ đưa các bên xích lại gần và hiểu nhau hơn, điều này là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cao uy tín của các tổ chức XHDS Độc lập và giành sự cảm tình đối với quần chúng. Nhất là trong điều kiện các tổ chức XHDS Độc lập còn hết sức lúng túng, chưa biết rõ mình cần phải làm gì?

Tiến hành khảo sát dư luận xã hội, tại sao không?

Vấn đề chính quyền ở Việt nam hiện nay sợ điều gì nhất đã được người ta bàn cãi tương đối nhiều, một kết luận rút ra mà được đa phần các ý kiến ủng hộ, đó là đảng CSVN và chính quyền của họ sợ nhất là sự thật. Thời gian vừa qua, việc các thông tin nhạy cảm (đúng và chưa đúng) lan truyền trên mạng xã hội nói riêng và truyền thông nói chung đã khiến chính quyền Việt nam hết sức lúng túng. Việc các quan chức lãnh đạo nhanh chóng xuất hiện trên truyền thông để trấn an dư luận đã chứng tỏ điều đó.

Một điều ít ai biết rằng, ở Việt nam việc điều tra nắm để nắm bắt dư luận xã hội rất được chính quyền coi trọng, tuy rằng vì lý do nhạy cảm nên họ không mấy khi công khai các kết quả cho dân chúng biết. Như Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội trực thuộc Viện Xã hội học là một ví dụ. Cơ quan này có nhiệm vụ: "Thực hiện nghiên cứu khoa học về dư luận xã hội; nắm bắt, phân tích, tổng hợp dư luận xã hội về những vấn đề, sự kiện quan trọng; tiến hành các cuộc điều tra xã hội học về dư luận xã hội liên quan đến các vấn đề xã hội phục vụ quá trình hình thành, hoàn thiện và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước; và đề xuất các biện pháp định hướng, hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong xã hội, thúc đẩy quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.". Ngoài ra còn có các tổ chức thuộc các Bộ ngành cũng tham gia thực hiện công tác này.

Từ trước đến nay, đảng CSVN luôn đề cao và biện minh rằng "Ý đảng là lòng dân" trong tất cả các chủ trương đường lối của họ, cho dù có rất nhiều chủ trương hoàn toàn sai trái, gây thiệt hại cho số đông. Họ luôn viện lý lẽ cho rằng "Xuất phát từ tâm tư tình cảm của đa số nhân dân" hay"Đòi hỏi của đông đảo quần chúng" v.v... Cho dù trên thực tế, hầu hết những đòi hỏi hay tâm tư tình cảm của đông đảo quần chúng nhân dân đó chỉ là ý kiến chủ quan của đảng CSVN, chứ không xuất phát từ các cuộc khảo sát dư luận xã hội được công bố một cách công khai. Ví dụ gần đây nhất, khi lãnh đạo tỉnh Sơn la biện minh cho việc triển khai Dự án xây dựng tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" là xuất phát từ tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Vậy tại sao các tổ chức XHDS không liên kết với nhau để tiến hành khảo sát dư luận xã hội tại một vài địa phương để xem quần chúng nhân dân nghĩ gì về những vấn đề này thông qua việc tổ chức thực hiện việc điều tra dư luận xã hội bằng các phiếu thăm dò? Để chỉ cho dư luận thấy rằng đó là những lý lẽ sai trái, đi ngược với mong mỏi của quần chúng nhân dân.

Kết

Việc tiến hành khảo sát các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế... thông qua việc điều tra dư luận xã hội bằng các phiếu thăm dò, để nắm bắt và phản ánh các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm là việc nên được tiến hành thường xuyên và có lẽ không tốn kém hoặc gặp phải các khó khăn gì cho lắm. Thông qua việc sử dụng các tình nguyện viên để phát phiếu thăm dò dư luận về một vấn đề cụ thể nào đó, các tổ chức XHDS hoàn toàn có thể dễ dàng tổ chức triển khai và thu được kết quả một cách nhanh chóng. Vấn đề quan trọng là ở chỗ xác định lĩnh vực nào cần điều tra, cũng như cách thức công khai kết quả trên cơ sở đáng tin cậy nhất, có sức thuyết phục.

Quan trọng nhất là kết quả thăm dò phải tuân thủ các đòi hỏi gắt gao nhằm đảm bảo sự minh bạch, và giá trị thuyết phục và phản ảnh đúng được dư luận xã hội. Cần tránh các tác động chủ quan của những người tham gia khảo sát làm ảnh hưởng tới kết quả công bố. Không chỉ thế, việc thăm dò này cũng có thể tiến hành thường xuyên trên các web site của các tổ chức XHDS.

Đây là những việc làm thiết thực và mang tính đối trọng, không chỉ với mục đích giúp đỡ Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, nhằm để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Mà nó còn giúp nâng cao vai trò và uy tín của các tổ chức XHDS trong giai đoạn hiện nay. Nên chăng các tổ chức XHDS Độc lập có thể tổ chức tiến hành việc điều tra dư luận xã hội một cách độc lập hoặc liên kết với các tổ chức khác để thực hiện?

Ngày 15/8/2015

© Kami

(Blog RFA)

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Không có nhận xét nào: