Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Mô hình kinh tế của Trung Quốc đã hết tác dụng?

(Ảnh: Internet)
                                                                       (Ảnh: Internet)

Trong 35 năm qua, mô hình kinh tế do chính phủ kiểm soát của và các phương pháp đo lường tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một số cuộc cải cách. Bắt đầu với một hệ thống được thừa hưởng từ Liên bang Xô Viết cũ, Trung Quốc chuyển sang hệ thống chỉ số GDP (Gross Domestic Product – Tổng sản phẩm quốc nội) với các tiêu chuẩn quốc tế vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chỉ số GDP của Trung Quốc đã bị mục tiêu kích thích kinh tế dẫn dắt. Điều này là không bền vững và chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy được hậu quả của nó.

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế năm 1981, và ở lại trường giảng dạy về thống kê học. Phương pháp thống kê giảng dạy thời bấy giờ tại Trung Quốc là được sao chép từ Liên bang Xô Viết cũ và dựa trên học thuyết Mác-xít.

Phương pháp này chỉ công nhận giá trị của hàng hóa được sản xuất và được gọi dưới cái tên “Hệ thống Sản phẩm Vật chất” (Material Product System” – MPS). Nó loại trừ các ngành công nghiệp dịch vụ (tertiary industries).

Hệ thống Cộng sản thời kỳ đầu: Lấy tổng sản lượng làm thước đo kinh tế 

Trước đây, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng riêng Hệ thống MPS để công bố dữ liệu kinh tế từ Liên bang Xô Viết, Đông Âu, Trung Quốc và một số nước khác.

Chỉ số cơ bản của hệ thống là tổng sản lượng. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp chi tiêu 70 nhân dân tệ cho nguyên liệu đầu vào (như nguyên liệu thô, năng lượng, khấu hao máy móc, .v.v.), 20 nhân dân tệ để trả lương cho công nhân viên, và 10 nhân dân tệ lợi nhuận, thì tổng giá trị sản lượng sẽ là 100 nhân dân tệ.

Chỉ số MPS có hai vấn đề. Một là định nghĩa về khái niệm: Tổng sản lượng đã được tính lặp đi lặp lại. Ví dụ, giá trị sản xuất của một doanh nghiệp khai thác than đã được tính vào trong giá trị sản xuất của một nhà máy lắp ráp máy móc tiêu thụ than, rồi tổng giá trị này lại được tính vào giá trị sản xuất của một công ty thực phẩm đã mua máy móc từ nhà máy lắp ráp máy móc đó, giá trị sản xuất này lại tiếp tục được tính lần nữa vào giá trị sản xuất của doanh nghiệp bán thức ăn, và cứ như vậy.

TQ
Cảnh xếp hàng trước cửa hàng mậu dịch tại Trung Quốc trước năm 1978. (Ảnh: China Financial Indicator)

Các hậu quả của gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ đã trở nên rõ ràng: một số lượng lớn các dự án bất động sản bị bỏ không, sản xuất dư thừa, và các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương.

Vấn đề thứ hai, là định nghĩa về quy trình: Một sản phẩm đạt “giá trị sản phẩm” sau khi được đánh dấu kiểm tra và nhập kho. Nó không tính đến việc sản phẩm đang ở đâu trên thực tế (tồn kho hay đang phân phối…). Điều này tạo ra thông tin tốt về ngành công nghiệp, nhưng kết quả kinh doanh lại không thực sự tốt. Nhà máy sản xuất báo cáo việc ghi nhận giá trị sản xuất một khi sản phẩm đã nhập kho. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ chịu hậu quả nếu sản phẩm không thể bán được (lời giả mà lỗ thật do hạch toán kế toán ghi nhận cả doanh thu từ hàng tồn kho).

Chính phủ kiểm soát nền kinh tế, sử dụng giá trị sản xuất như là chỉ tiêu điều tiết cơ bản. Nhưng giá trị sản xuất làm biến dạng bức tranh thực sự của nền kinh tế. Chính là để nhằm loại bỏ những thiếu sót của hệ thống kinh tế chỉ huy này, mà cải cách kinh tế đã bắt đầu được thực hiện vào năm 1978 tại Trung Quốc.

Hệ thống thế giới: Đo lường giá trị sản xuất ròng

Trong cuộc cải cách theo định hướng thị trường, Trung Quốc đã từ bỏ hệ thống MPS và chuyển sang dùng Hệ thống Các Tài khoản Quốc gia (System of National Accounts – SNA) được dùng phổ biến trên thế giới. Các doanh nghiệp chỉ tính “sản lượng ròng”, bao gồm tiền lương và lợi nhuận, được gọi là “giá trị gia tăng”.

Cụ thể, nó là giá trị sản lượng của “hàng hóa đã bán được” trừ đi chi phí đầu vào. Tổng sản phẩm của quốc gia sẽ lấy tổng số của tất cả sản lượng ròng của các doanh nghiệp bao gồm cả ngành dịch vụ. Đây chính là Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP).

Từ quan điểm tiêu dùng, GDP cũng bằng với tổng lượng tiêu dùng, cộng với tổng vốn đầu tư, cộng với chi tiêu của chính phủ và cộng với tổng kim ngạch xuất khẩu ròng.

Cải cách này có ý nghĩa rất quan trọng, cung cấp một thước đo phù hợp với các hoạt động thị trường của Trung Quốc và kết nối số liệu thống kê của Trung Quốc với các tiêu chuẩn quốc tế. Sự tiến bộ về kinh tế mà Trung Quốc có được là do cơ chế thị trường, đặc biệt là từ các ngành công nghiệp cho xuất khẩu.

Mô hình Trung Quốc

Việc sử dụng hệ thống chỉ số GDP là một bước đi đúng hướng. Nhưng sau đó, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu coi GDP như MPS. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh đã phát động một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá bốn nghìn tỷ nhân dân tệ. Kết quả là những số tiền khổng lồ đã được đưa vào các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chính phủ, đặc biệt là các chính quyền địa phương, thông qua việc cấp vốn và các khoản vay ngân hàng. GDP duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt được mục tiêu Bắc Kinh đã đề ra trong một số năm. Tất nhiên, các con số của Tổng Cục Thống kê đều cần phải được Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền trung ương phê chuẩn.


Mô hình tăng trưởng Trung Quốc do chính phủ kiểm soát này “có vẻ như” tốt hơn so với nền kinh tế thị trường của phương Tây.

Tuy nhiên, hiện nay, hậu quả của gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ nhân dân tệ đã trở nên rõ ràng: một số lượng lớn các dự án bất động sản bị bỏ không, sản xuất dư thừa, và các khoản nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương… Chỉ số GDP dựa trên việc kích thích kinh tế này cũng tương tự với các sản phẩm không bán được theo mô hình tổng sản lượng dưới thời hệ thống kinh tế chỉ huy trước đây.

Đối với các nước phát triển hơn, theo cơ chế thị trường và hệ thống dân chủ, mặc dù không phải là hoàn hảo, thì việc áp dụng một gói kích thích kinh tế như cách Trung Quốc đã làm là không thể. Chính phủ của các nước đó không thể phân bổ những số tiền khổng lồ như vậy một cách độc đoán và nhanh chóng. Các cơ quan lập pháp và các phương tiện truyền thông, tất cả đều giám sát các chính phủ này. Trong một hệ thống thị trường, thì các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sản xuất và đầu tư.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Hoa Kỳ đã dùng biện pháp mạnh để giải cứu thị trường tài chính và một số doanh nghiệp, chứ không phải cứu thị trường chứng khoán. Một khi khủng hoảng qua đi, thì thị trường hoạt động bình thường trở lại và phải trải qua quá trình điều chỉnh, phục hồi và tăng trưởng.

Hiện tại, so với Trung Quốc, nền kinh tế Hoa Kỳ vững mạnh và năng động hơn. Xu hướng chung của nền kinh tế Châu Âu cũng là tốt hơn so với Trung Quốc.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là GDP của Trung Quốc là không thể so sánh với GDP các nước này. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng vượt xa tỷ lệ tăng trưởng ở các nước này. Vậy đâu là sự ưu việt của mô hình tăng trưởng Trung Quốc với kế hoạch kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ?

Thị trường chứng khoán rối loạn

Thật không may, sự can thiệp và điều tiết của chính phủ lại lặp lại một lần nữa trong năm nay trên thị trường chứng khoán. Để ngăn chặn sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP và để giải quyết tình hình kinh tế khó khăn, Bắc Kinh đã vội vã đẩy thị trường tăng điểm thông qua một loạt các chính sách và đòn bẩy tài chính. Do đó, 9.000 tỷ nhân dân tệ, hoặc hơn, đã được đổ vào thị trường chứng khoán, đẩy chỉ số lên trên 5.000 điểm.

Một người phụ nữ ôm đầu khi quan sát chuyển động giá cổ phiếu trên sàn Thượng Hải Index, vào ngày 6/7/2015 (Ảnh: David Lom/NBC News)

Khi thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến sụp đổ vào ngày 12/6, Bắc Kinh đã lao vào một cuộc giải cứu hung hăng thông qua một loạt các biện pháp quyết liệt, bao gồm cả các cuộc điều tra của cảnh sát để ngăn chặn việc bán cổ phiếu, các mệnh lệnh hành chính để cấm các cổ đông lớn bán cổ phần của họ trong vòng 6 tháng, và thúc đẩy giá các mã cổ phiếu của các công ty lớn có giá trị cổ phiếu cao (blue-chip) tăng lên trong khi một nửa của tất cả các công ty niêm yết phải ngừng giao dịch.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc không còn là một thị trường hoạt động theo cơ chế thị trường của nền kinh tế. Chỉ số chứng khoán không còn phản ánh biến động của thị trường chứng khoán vì tất cả mọi thứ đều được quyết định bởi chính phủ. Chính phủ có quyền lực vô hạn để thực thi các mục tiêu của mình. Việc can thiệp và kiểm soát như vậy có thể tạm thời ổn định lại thị trường chứng khoán, nhưng nó cũng gây ra thiệt hại cho thị trường chứng khoán và các tài sản tài chính cũng như niềm tin của nhà đầu tư. Mức độ của thiệt hại này sẽ dần dần hiện ra.

Ren Ze, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Đây là bản dịch tóm tắt của bài báo được đăng trên tờ báo mạng Tổng Quan Trung Quốc (纵览中国) của Ren Ze. Tác giả Ren Ze đã từng là một nhà thống kê học ở Trung Quốc và một nhà bình luận về các vấn đề đương đại.

Thu Hiền biên dịch

Không có nhận xét nào: