Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Ngân hàng Đông Á bị ‘kiểm soát đặc biệt’

Ngân hàng Đông Á là trường hợp mới nhất bị 'kiểm soát đặc biệt'
Ngân hàng Đông Á trở thành ngân hàng thứ mười bị đưa vào diện ‘kiểm soát đặc biệt', truyền thông trong nước đưa tin.
Ngân hàng Đông Á đã có "nhiều vi phạm pháp luật" về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến tình hình tài chính của Đông Á, một thông báo của Ngân hàng Nhà nước trước đó cho hay.
Hôm 15/8/2015, trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành bình luận về động thái chịu 'kiểm soát đặc biệt':

"Đây là kết cục người trong ngành đã biết từ lâu. Những ngân hàng yếu kém sẽ bị xử lý như vậy'.
Ông Thành dự báo 'sẽ còn nhiều ngân hàng bị sáp nhập trong thời gian tới'.
Chuyên gia tài chính giải thích chính sách Nhà nước Việt Nam sẽ 'thu hẹp số lượng ngân hàng thương mại còn khoảng 15 đơn vị' và con số này là quá đủ cho tình hình kinh tế Việt Nam.
Ông Thành nhận định:
"Việc Nhà nước không cho các ngân hàng yếu kém phá sản mà lại quốc hữu hóa, ôm nợ xấu là điều không hợp lý, nhưng chính sách là vậy".
Chuyên gia này cho rằng lẽ ra người dân cần phải được thông tin về rủi ro của những ngân hàng yếu kém để chủ động quyết định về việc có nên tiếp tục gửi tiền tiết kiệm ở những ngân hàng này hay không.
BBC đã liên hệ với ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á để làm rõ vấn đề 'kiểm soát đặc biệt', nhưng ông Bình từ chối trả lời phỏng vấn.

'Ảnh hưởng nghiêm trọng'

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 15/8 dẫn lời ông Lê Kim Hòa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV), đơn vị tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á, khẳng định ‘thanh khoản của Ngân hàng Đông Á tiếp tục được đảm bảo, lợi ích của người gửi tiền được bảo vệ’.
Ông Hòa cho biết việc tham gia của BIDV vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á là do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông báo công bố kết luận thanh tra với Ngân hàng Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này từ ngày 13/8.
Theo đó, nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đông Á sẽ bị miễn nhiệm.
Thông báo viết: "Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra toàn diện Đông Á.
"Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Đông Á".
Trong năm nay, ngân hàng trung ương của Việt Nam cũng đã mua lại ba ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Oceanbank, Ngân hàng PGbank với giá 0 đồng.

'Tuyên bố phá sản'

Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có nhiều ngân hàng bị chấn chỉnh, sáp nhập trong mấy năm trở lại đây.
Ông Hòa được Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời nói ông ‘tin Đông Á sẽ có cơ hội phục hồi, phát triển sau khi khắc phục những khó khăn hiện tại’.
Ông cũng cho biết ‘hiện BIDV chưa tính đến phương án mua lại, sáp nhập Đông Á’.
Thông tin tại đại hội đồng cổ đông của Đông Á họp vào ngày 21/7 cho thấy ngân hàng này gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong các năm trước. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận 2014 trình các cổ đông, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt 26,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế được phép phân phối chỉ còn 21,4 tỷ đồng.
Hai ngày trước, báo Dân Trí đã tường thuật lời ông Trần Phương Bình nói “nếu Đông Á bị mua 0 đồng, tôi sẽ tuyên bố phá sản”.
Tuy nhiên hiện thông tin này đã bị cắt bỏ.
Theo Dân Trí, ông Bình ‘thừa nhận, thời gian qua, ngân hàng này gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các tin đồn’.
“Xử lý nợ xấu ngân hàng nhanh nhất là tái cơ cấu.
"Trong phương án tái cơ cấu, Đông Á đang nhận được sự quan tâm của hai, ba nhà đầu tư nước ngoài để mua 49% cổ phần (tương đương 4.900 tỷ đồng) và hỗ trợ tài chính để ngân hàng này xử lý nợ xấu”, ông Bình được dẫn lời trên Dân Trí nói.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

NGÂN HÀNG ĐÔNG Á NÀY THÀNH QỦY HCM ĐỨNG CHỦ ĐẠO LẤY ĐẢG TÉP LÀM NGUỒN SỐNG CHO ĐẢNG TÔM VÀ MỚ CỜ BẠC TRÊN MẠNG NUÔI SỐNG .NAY LĐẠO ĐÔG Á CHỈ BIẾT THU MÀ KG CHI .NGÂN HÀG CHƠI CHO BÕ GHÉT ĐÂY MÀ.