Pages

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Nguyễn Anh Tuấn - Thanh tra: Lá bài lợi hại của Thủ tướng



CHIẾU TƯỚNG SÀI GÒN

Hôm nay hàng loạt tờ báo đưa tin Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch Tp.HCM trong việc thực hiện các quy định về thanh tra và phòng chống tham nhũng trong giai đoạn 2011 đến tháng 6/2014. [1]

Việc chẳng có gì đáng nói ngoại trừ thời điểm công bố kết luận thanh tra. Cuộc thanh tra này vốn bắt đầu từ ngày 6/8/2014 dự kiến kéo dài 70 ngày tức là đến ngày 16/10/2014 [2]. Theo Luật Thanh tra, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày cuộc thanh tra kết thúc, tức là ngày 16/11/2014, phải có kết luận thanh tra. Cũng theo luật này, kết luận thanh tra phải được công bố 10 ngày sau khi được ký, nghĩa là ngày 26/11/2014. [3]

Vậy mà 9 tháng sau thời hạn luật định đó, nay, 19/8/2015, kết luận thanh tra mới được công bố. Đặt trong bối cảnh chỉ còn 1-2 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị TƯ 12 được cho là sẽ chốt vấn đề nhân sự khóa tới, cũng như Tp. HCM lâu nay được coi là như một địa phương tương đối bất trị đối với Trung ương, thật khó để không nghi ngờ có một dụng ý nào đó của việc lùi thời điểm công bố kết luận thanh tra các cấp chính quyền Tp. HCM. Cũng cần lưu ý rằng Lê Thanh Hải, Bí thư Tp. HCM chỉ mới 66 tuổi vào Đại hội XII đầu năm tới, hứa hẹn sẽ là ứng viên sáng giá cho các chức danh 'tứ trụ', vì đã có 2 nhiệm kỳ đứng đầu địa phương giàu có nhất Việt Nam này.

ĐIỂM HUYỆT ĐÀ NẴNG

"Chiêu thức" lùi thời điểm công bố kết luận thanh tra như trên hóa ra không phải lần đầu tiên được áp dụng. Ngày 28/12/2012 Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đà Nẵng ra Hà Nội nhậm chức Trưởng ban Nội chính vừa được tái lập với kỳ vọng tiếp sức cho chiến dịch chống tham nhũng được hỗ trợ bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mục tiêu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vỏn vẹn 15 ngày sau đó, vào đúng ngày Chủ nhật, với một động thái mẫn cán hiếm có, Văn phòng Chính phủ, thừa lệnh Thủ tướng và dựa trên một văn bản đóng dấu Hỏa tốc của Thanh tra Chính phủ, công bố kết luận thanh tra những sai phạm của UBND Tp. Đà Nẵng (vốn đã được hoàn thành 3 tháng trước đó) trong gia đoạn mà Nguyễn Bá Thanh đứng đầu. [4]

Nhưng, đối nghịch với thái độ bình thản và có phần cam chịu đón nhận kết luận thanh tra của lãnh đạo Tp. HCM, những viên chức đảng và chính quyền của thành phố lớn thứ ba Việt Nam đã phản ứng hết sức quyết liệt. Nguyễn Bá Thanh tuyên bố thẳng thừng kết luận thanh tra dẫu được chuẩn y bởi Thủ tướng là 'vô căn cứ', trong khi Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Đà Nẵng bấy giờ, trong một cử chỉ phụ họa, tỏ vẻ nghi ngờ trên mặt báo về thời gian công bố kết luận thanh tra là 'bất thường'. Cán bộ các cấp Đà Nẵng sau đó, được đà, đồng loạt kiến nghị lên Bộ Chính trị - một động thái chứng tỏ họ tường tận sự phức tạp của hệ thống song trùng Đảng - Nhà nước ở Việt Nam và biết cách tận dụng nó để vô hiệu hóa kết luận của Thanh tra Chính phủ.

"LÁ BÀI" THANH TRA

Chỉ mới tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hẳn đã khiến không ít người làm công tác nhân sự lâu năm của Đảng bất ngờ khi ký bổ nhiệm một bí thư huyện ở Kiên Giang - quý hương của ông - cho một chức vụ hàm Thứ trưởng là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, phớt lờ ngay cả lý lịch tham nhũng tiền cứu đói của "đồng chí" này vốn hoàn toàn không phù hợp cho công việc thanh tra [5]. Việc bổ nhiệm này cho thấy nỗ lực của Thủ tướng trong việc thao túng Thanh tra Chính phủ - một trong hai "ngự sử đài" của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, bên cạnh Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vốn nằm trong tay một Ủy viên Bộ Chính trị khác và không dễ bị khuynh loát bởi cá nhân Thủ tướng.

Hơn thế nữa, trong trường hợp của Đà Nẵng, qua phần trả lời báo chí của đại diện Văn phòng Chính phủ, bóng dáng của Thủ tướng rất rõ trong việc "điều chỉnh" thời gian công bố kết luận thanh tra, mặc dù theo Luật Thanh tra, việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ. Lý do cho việc lùi này, theo Văn phòng Chính phủ là vì sau rà soát, Thanh tra Chính phủ nhận ra, nội dung kết luận thanh tra đã chuyển từ "mật" sang "không còn mật nữa", điều hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý thực tiễn.

Vậy thì, có thể lý giải thế này, Thủ tướng đã tận dụng "ngự sử đài" dưới quyền ông là Thanh tra Chính phủ cho việc tấn công các đối thủ chính trị. Cách thức ư? Giản đơn thôi. Theo Luật Thanh tra, ông có quyền phê duyệt định hướng thanh tra hàng năm để trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra kế hoạch thanh tra. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật nhiều bất cập hiện nay, khó có địa phương đơn vị nào không sai phạm (đôi khi được gọi dưới cái tên ưa thích là 'xé rào'). Có kết luận thanh tra trong tay rồi, Thủ tướng và các cộng sự lách quy định về 'thời hạn công bố 10 ngày' bằng cách linh hoạt dán nhãn 'mật' hay 'không mật' cho nội dung kết luận thanh tra. Bằng cách này ông nắm thóp một lượng lớn cán bộ cấp cao, và hoàn toàn chủ động trong việc kết liễu sinh mệnh chính trị của bất kì ai có tiềm năng là đối thủ của mình cũng như hoàn toàn thuận lợi trong việc thu phục những kẻ đầu hàng.

Thật, không gì dễ hơn.

Vậy nên, đến khi nào những cơ quan "ngự sử đài" (kiểm tra, giám sát) còn chưa độc lập và chưa tự hoàn thiện về mặt định chế của chính nó, chúng vẫn chỉ là lá bài không hơn không kém trong tay các phe phái dùng để tấn công đối thủ chính trị của mình. Uýnh nhau bằng các con bài định chế như vậy, chưa biết phe nào thắng phe nào bại, chỉ biết quốc gia sẽ cầm chắc què quặt.

Nguyễn Anh Tuấn

(FB Nguyễn Anh Tuấn)

[1] http://vneconomy.vn/thoi-su/nhieu-sai-pham-tai-tphcm-duoi-thoi-chu-tich-le-hoang-quan-20150818063722351.htm
[2] http://news.zing.vn/Thanh-tra-trach-nhiem-cua-Chu-tich-UBND-TPHCM-post444520.html#inner-article
[3] Luật Thanh tra: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=98567
[4] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thoi-diem-cong-bo-ket-luan-thanh-tra-da-nang-khong-bat-thuong-2416348.html
[5] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bi-thu-huyen-uy-giu-chuc-pho-tong-thanh-tra-chinh-phu-3251448.html

Không có nhận xét nào: