Pages

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Quan điểm và Bình luận của Trung Quốc về Chính sách Ngoại giao Láng giềng

Tháng 10/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức cuộc họp chưa từng có tiền lệ để đánh giá lại công tác ngoại giao láng giềng, nhằm tìm ra cách thức dung hoà giữa hai mục tiêu đối lập đó là phát triển quan hệ tích cực với các nước láng giềng đồng thời bảo vệ vững chắc yêu sách lãnh thổ và lợi ích của Trung Quốc. Nghiên cứu của Micheal D. Swaine hé lộ nhiều nội dung quan trọng về đặc điểm, nguyên nhân, mục tiêu và thách thức trong công tác ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.

Những đánh giá ở trên về quan điểm của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao láng giềng cho thấy đây đã trở thành ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh bởi rất nhiều lý do. Nguyên nhân một phần tới từ các tính toán trong dài hạn, từ mô hình phát triển kinh tế hướng ra bên ngoài của Trung Quốc, từ sự hiện diện chính trị ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh. Trong khi đó, với rất nhiều người Trung Quốc, dù ngấm ngầm hay công khai, họ xem lý do chính xuất phát từ các toan tính mới nhen nhóm trong thời gian gần đây, cụ thể là những căng thẳng ngày càng gia tăng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp tài nguyên với các quốc gia lân cận và phần nào là do các sự kiện tại Bán đảo Triều Tiên. Họ cho rằng đây là những yếu tố chính buộc Bắc Kinh phải chú trọng tới chính sách ngoại giao láng giềng. Do đó, dù cho một vài nguồn không chính thống định nghĩa phạm vi ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh là một khu vực rộng lớn, vượt ra khỏi các quốc gia lân cận, còn về nội hàm, ngoại giao láng giềng bao gồm rất nhiều các hoạt động ngoại giao khác nhau, tuy nhiên, rõ ràng là tại cấp chính phủ, chính sách ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh - ít nhất là từ ngắn hạn đến trung hạn - được sử dụng để giải quyết môi trường an ninh ngày một nhiều thách thức trong các khu vực (đặc biệt là các vùng biển) lân cận Trung Quốc, và được tập trung vào xem xét quan điểm và ứng phó với động thái của các nước láng giềng. Tuy nhiên, theo một vài nguồn chính thống khác, môi trường nhiều thách thức này cũng bao gồm quan hệ với một vài cường quốc đang có liên quan đến khu vực tại khu vực láng giềng này, đặc biệt là Mỹ.

Như đã đề cập ở phần giới thiệu, thách thức lớn nhất mà chính sách ngoại giao Trung Quốc đối với khu vực láng giềng đang gặp phải đó là làm thế nào để xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể để vừa duy trì và tăng cường những mối quan hệ vốn đang tích cực và sẽ mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn với các quốc gia và các tổ chức ở khu vực láng giềng (và các cường quốc có liên quan như Mỹ), vừa bảo vệ và thúc đẩy có hiệu quả các lợi ích chủ quyền của Trung Quốc.

Cho dù các nguồn tin chính thống không nói một cách rõ ràng như vậy, tuy nhiên rất nhiều nhà quan sát của Trung Quốc thẳng thắn thừa nhận thách thức này. Hơn nữa, với một số nhà quan sát khác, thách thức này xuất phát một phần từ những yếu kém nhất định trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, ví dụ như vấn đề phối hợp giữa các mục tiêu kinh tế và an ninh, cũng như không thể thay đổi quan điểm của quốc gia láng giềng khi các nước này coi Trung Quốc như một mối đe dọa.

Phân tích ở trên cũng cho thấy cả điểm tương đồng và điểm khác biệt tồn tại trong giới phân tích Trung Quốc về việc làm thế nào để Trung Quốc giải quyết tốt nhất thách thức này. Nhìn chung, cả các nguồn chính thống và phi chính thống đều phần nào nhấn mạnh vào cách tiếp cận vẫn được biết đến từ lâu, đó là vừa làm sâu sắc mối quan hệ chính trị, đặc biệt là mối quan hệ kinh tế, đôi bên cùng có lợi, tăng cường hơn nữa tương tác với các quốc gia láng giềng và các tổ chức đa phương có liên quan, cùng với đó là tiếp tục những nỗ lực tham vấn và đàm phán với từng quốc gia tranh chấp.

Nhiều nguồn tin từ Trung Quốc, và đặc biệt là từ các nguồn chính thống, nhấn mạnh vào các yếu tố tích cực của một chính sách ngoại giao láng giềng như vậy, cụ thể đó là phát triển mối quan hệ kinh tế mới thông qua Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và các khái niệm hành lang kinh tế, hay mong muốn quản lý các tranh chấp tại khu vực láng giềng một cách hòa bình. Tuy nhiên, có một vài nguồn tin cho rằng Trung Quốc nên kiềm chế hơn trong những tranh chấp này để giúp khu vực tin hơn vào Trung Quốc. Và không nguồn tin nào của Trung Quốc nói rằng chúng tôi ủng hộ việc đệ trình tranh chấp lên cơ quan tài phán quốc tế hay đưa vấn đề này đến các tổ chức hay các cơ chế an ninh đa phương để giải quyết. Những tranh chấp này phải được quản lý hay giải quyết thông qua các cơ chế tương tác giữa Bắc Kinh với từng quốc gia tranh chấp.

Thay vì ủng hộ kiềm chế, và bất chấp sự thật rằng nhiều quốc gia láng giềng đang có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc bởi những lý do tới từ các vấn đề tranh chấp, rất nhiều nguồn tin, nếu không muốn nói là hầu hết, đều cho rằng hiện tại và trong tương lai, Trung Quốc phải có “quyết tâm chiến lược” rõ ràng hơn để bảo vệ chủ quyền và lợi ích tài nguyên. Và các nguồn tin chính thức từ quân đội đặc biệt nhấn mạnh vào sự cần thiết phải thể hiện quyết tâm không khoan nhượng. Đây có lẽ là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các nguồn tin quân sự và dân sự trong quan vấn đề chính sách ngoại giao láng giềng, cho dù gọi đây là một sự khác biệt cũng không hẳn đã chính xác. Nhìn chung, sự cần thiết phải thể hiện quyết tâm rõ ràng hơn trong tranh chấp tại các khu vực láng giềng được cho là nhân tố quan trọng nhất của chính sách ngoại giao láng giềng tổng thể của Trung Quốc.

Đáng ngạc nhiên là, thông tin từ các nguồn không chính thống và tín hiệu ngầm từ một vài nguồn chính thống cho rằng sự quyết tâm hay sự quyết đoán rõ ràng hơn như đã đề cập ở trên sẽ không gây mất ổn định, mà ngược lại còn giúp khu vực láng giềng của Trung Quốc ổn định hơn. Lý do là bởi quyết tâm của Trung Quốc sẽ giúp các bên tranh chấp cũng như các nước khác thấy rằng không ai được phép lợi dụng chính sách ưu tiên hòa bình và tham vấn của Bắc Kinh để thực hiện các hành vi khiêu khích.

Đây cũng là một quan điểm chung khác được chia sẻ bởi các các nguồn tin chính thống và không chính thống: những căng thẳng về vấn đề chủ quyền và tài nguyên có liên quan đến Trung Quốc đều là do các quốc gia khác gây nên và làm trầm trọng thêm, dù là trực tiếp (trường hợp các bên tranh chấp) hay gián tiếp, trường hợp Mỹ và Nhật (với Nhật là trong trường hợp tranh chấp Biển Đông). Sẽ không quốc gia nào công khai thừa nhận rằng họ là bên phải chịu trách nhiệm về tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên các nguồn tin Trung Quốc vẫn đặc biệt kiên trì với quan điểm này, khiến họ ngày càng có suy nghĩ tự mãn về bản thân.[1]

Sự can dự của Washington và Tokyo trong những tranh chấp này nếu nhẹ nhàng thì bị coi là vô ích, còn nếu nặng nề thì bị coi là một nhân tố gây rắc rối nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, cho dù các nguồn tin chính thống thường tránh việc đưa ra mối liên hệ trực tiếp, tuy nhiên nhiều nguồn khác của Trung Quốc cho biết sự gia tăng can dự của Mỹ trong tranh chấp tại các vùng láng giềng Trung Quốc là điều kiện để các quốc gia khác “gây rắc rối”.[2]

Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, đối với các nhà phân tích Trung Quốc, điểm then chốt của một chiến lược nhằm tiếp tục hoặc đẩy mạnh sự quyết đoán là xác định các cách thức mà Bắc Kinh có thể thể hiện tốt nhất quyết tâm của mình mà không ảnh hưởng xấu tới các lợi ích lớn hơn của Trung Quốc, đó là phát triển hòa bình tại các khu vực láng giềng và tránh sa vào một cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ. Về vấn đề này, không nhà quan sát Trung Quốc nào đưa ra sự ủng hộ rõ ràng cho việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Hầu như tất cả các nhà quan sát đều nhấn mạnh vào mong muốn xuyên suốt của Trung Quốc đó là duy trì một cách tiếp cận hòa bình, trong khi vẫn gợi ý rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết, đặc biệt là trong trường trường hợp họ bị mất đi một phần lãnh thổ mà họ yêu sách.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin chính thống và không chính thống xác nhận sự ủng hộ cho những gì mà các nhà quan sát bên ngoài cho là những hành vi kích động, không mang lại lợi ích gì, đơn cử như việc Trung Quốc thách thức trên thực địa sự kiểm soát hành chính của Nhật đối với Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc Trung Quốc thành lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, và việc thiết lập nhiều cơ chế hành chính mới như cơ quan quản lý của cái gọi là thành phố Tam Sa. Đây được coi là những biện pháp cần thiết, và theo một vài nguồn tin, thì đây chỉ là hành động phản ứng có chừng mực đối với các động thái kích động của các nước khác.[3] Đáng chú ý là hầu như không có nguồn tin nào từ Trung Quốc chỉ trích những biện pháp này của Bắc Kinh.

Một vài nguồn tin không chính thống khác của Trung Quốc coi việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp có phần quyết đoán hơn - những biện pháp người Trung Quốc coi là chính đáng - tại các tranh chấp ở khu vực láng giềng như là một phần trong sự thay đổi lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, hướng tới việc áp dụng có chọn lọc các hình thức ưu đãi cũng như trừng phạt dành cho các quốc gia ủng hộ hay không chấp nhận các lợi ích sống còn của Trung Quốc. Thông tin này không được nguồn tin chính thống xác nhận, tuy nhiên trong giới phân tích Trung Quốc người ta thường cho rằng rất nhiều quan chức chính phủ cùng chia sẻ quan điểm rằng nhìn chung Bắc Kinh nên tăng cường tận dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và thậm chí là cả quân sự ngày càng lớn mạnh của mình để ở mức tối thiểu có thể ngăn cản (nếu không muốn nói là trừng phạt) các nước khác, và định hình nhận thức của họ, để các nước này không phản đối hay cản trở lợi ích của Trung Quốc. Thật vậy, sẽ là khó hiểu nếu Bắc Kinh không đi theo hướng này, cùng với đó vẫn tìm cách tăng cường các mối quan hệ đang tốt đẹp. Hầu hết các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy.

Trên thực tế, ngoài thái độ cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác, một đặc điểm quan trọng khác của chính sách ngoại giao láng giềng mới của Bắc Kinh đó là tập trung vào sử dụng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc để xây dựng một hệ thống các mối quan hệ lâu dài, toàn diện với các quốc gia láng giềng, và hệ thống này cuối cùng sẽ thay đổi “suy nghĩ về lợi ích” của họ theo những cách khác nhau để có lợi cho Trung Quốc và cho chính bản thân mình. Nhiệm vụ này - tập trung vào thiết lập vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, các đường ống dẫn dầu, và các dự án phát triển khu vực và xuyên quốc gia khác - thường nhận được sự khen ngợi của các nguồn chính thống cũng như một vài nguồn phi chính thống, họ coi đây như là nỗ lực để xây dựng và làm sâu sắc thêm chính sách cùng thắng, mối quan hệ phát triển đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, một vài nguồn phi chính thống cho rằng nhiệm vụ trên có tầm quan trọng rất lớn trong nỗ lực tổng thể nhằm thiết lập một bộ các công cụ thưởng phạt dành cho các quốc gia láng giềng để họ không “gây rắc rối cho Trung Quốc.”[4] Với những nhà quan sát có quan điểm như vậy, cục diện thay đổi theo chiều hướng trên cuối cùng sẽ dẫn tới việc thiết lập những thỏa thuận an ninh mới có lợi cho Trung Quốc, cũng như sẽ có kết quả là những biện pháp rõ ràng và cứng rắn hơn để trừng phạt những gì mà Bắc Kinh xem là không phù hợp.

Từ những mong muốn và ý định rõ ràng này của Trung Quốc, chúng ta có thể kết luận rằng hầu hết người Trung Quốc, có thể bao gồm các lãnh đạo Trung Quốc, xem chính sách ngoại giao láng giềng mới không chỉ là cách thức hữu hiệu hơn để cân bằng các mục tiêu có phần mâu thuẫn nhau của Trung Quốc - cụ thể là phát triển hợp tác và bảo vệ chủ quyền, mà đây còn là cách để thách thức trật tự an ninh hiện hành do Mỹ lãnh đạo tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cùng với đó, có một điểm quan trọng mà chúng ta cần nhớ, đó là cho dù một vài nhà quan sát Trung Quốc có sự nghi ngờ rõ ràng đối với Mỹ, nhưng họ lại không đồng tình với ý kiến cho rằng các vấn đề tại khu vực láng giềng của Trung Quốc nảy sinh chủ yếu bởi Mỹ và trật tự an ninh do Mỹ lãnh đạo. Quan trọng hơn, một vài nhà quan sát, nếu không nói thẳng thì cũng ngầm cho rằng cục diện khả thi duy nhất trong dài hạn cho khu vực láng giềng của Trung Quốc và cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là cục diện mà trong đó quan hệ Trung - Mỹ có tính hợp tác hơn. Thực tế này, cùng với việc các tuyên bố chính thức của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao láng giềng chưa bao giờ thể hiện sự công khai đối đầu với Mỹ cho thấy Bắc Kinh không hẳn coi quan hệ của họ với các quốc gia láng giềng là một phần của cuộc cạnh tranh bên được bên mất với Washington.

Do đó, quan điểm của Trung Quốc với chính sách ngoại giao láng giềng vừa đặt ra thách thức, vừa đem lại cơ hội cho Washington. Có thể nói rằng thách thức lớn nhất nằm ở i) lập trường tự mãn của Trung Quốc trong các tranh chấp tại khu vực láng giềng, ii) việc Bắc Kinh nhìn chung tự coi họ là bên đã thực thi kiềm chế, chỉ phòng thủ trước sự khiêu khích của các quốc gia khác, và iii) việc họ có xu hướng xem Mỹ là nước đã xen vào việc của họ. Như đã bàn từ các số trước của The Monitor, những thách thức này và các vấn đề có liên quan khác sẽ làm tăng nguy cơ đẩy khủng hoảng leo thang dọc theo khu vực láng giềng của Trung Quốc, điều này có thể sẽ buộc Mỹ phải can thiệp.[5]Tuy nhiên, lợi ích mà Trung Quốc có thể đạt được khi thực thi các phương thức thô bạo, hay mang tính đe dọa để giải quyết các tranh chấp tại khu vực láng giềng không hẳn là quá cao hay không thể thay đổi được. Những lợi ích này sẽ được các lãnh đạo Trung Quốc đo đếm trước các lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh mà họ đang, và sẽ có trong trường hợp họ không để các nước láng giềng buộc phải tìm đến sự trợ giúp của Mỹ và lao vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Do đó, các lợi ích của Trung Quốc vẫn chịu sự ảnh hưởng từ bên ngoài.

Với các nhà quan sát bên ngoài, điều này chỉ đơn giản nói lên rằng chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực láng giềng sẽ bao gồm một loạt các nỗ lực nhằm đưa ra các ưu đãi lớn về kinh tế và chính trị để các quốc gia khác ủng hộ cho Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong khi đó vẫn theo đuổi một loạt các chiến thuật kiểu “cắt lát salami” có tính hung hăng trong các tranh chấp khác nhau, cụ thể là liên tiếp đe dọa ở mức độ cảnh báo và dần dần chiếm giữ từng phần lãnh thổ tại những khu vực có thể. Nếu thật sự Trung Quốc tự tin vào sức mạnh ngày càng lớn của họ và từ đó tiến hành cuộc chơi bên được bên mất nhằm thống trị Châu Á và đối đầu với Mỹ, và nếu Trung Quốc coi việc giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước khác là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng của mình thì chúng ta hoàn toàn có lý do để tin vào một chiến lược như vậy. Tuy nhiên, trong bài viết này và các bài viết khác trên The Monitor được trích dẫn trước đây, chúng ta đều thấy rằng Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra một tuyên bố như vậy, họ không có đủ sự tự tin, và không xem việc giải quyết tranh chấp như là một ưu tiên hàng đầu. Như nhiều nguồn từ Trung Quốc đã khẳng định, Bắc Kinh cần một hệ thống kinh tế mở tại Châu Á và dọc theo khu vực láng giềng của mình, cũng như quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng - những nước không bị ảnh hưởng của Mỹ. Do đó, cho dù chắc chắn Trung Quốc muốn có lập trường cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ tại khu vực láng giềng, nhưng họ cũng rất muốn thiết lập một môi trường tích cực cho các quốc gia láng giềng, để từ đó có thể đạt được các kết quả có lợi về kinh tế và chính trị.

Lý do này và việc ngầm nhấn mạnh vào phát triển kinh tế cũng là một cơ hội cho Mỹ và các đồng minh và bạn bè của Mỹ. Các sáng kiến như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các cam kết kinh tế xuyên quốc gia khác có sử dụng sức mạnh của Mỹ để đem lại lợi ích cho các nước láng giềng, bao gồm cả Trung Quốc, nếu có thể thì nên kết hợp cả với các khái niệm của Trung Quốc về phát triển khu vực. Sự tham gia sâu rộng hơn của Mỹ vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực sẽ không là lý do để Trung Quốc phải sử dụng sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng để thao túng hay trừng phạt các quốc gia khác, thay vào đó, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh, để họ kiềm chế hơn trong việc giải quyết các vấn đề gây nhiều rắc rối như tranh chấp lãnh thổ. Lý tưởng nhất, sự tham gia sâu rộng hơn của Mỹ nên bao gồm cả việc tăng cường đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các dự án khác có thể đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, những chính sách như vậy khó có thể trở thành hiện thực nếu Mỹ vẫn không thể hồi phục hoàn toàn từ các khó khăn kinh tế hiện tại.

Bên cạnh việc tập trung vào các khía cạnh tích cực trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, làm thế nào để Washington tác động trực tiếp tới Trung Quốc, khiến họ hiểu rằng họ sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu thực thi kiềm chế trong tranh chấp với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là khi hầu hết người Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh cần phải quyết đoán hơn nữa và rằng Bắc Kinh đã kiềm chế quá đủ? Mong muốn dễ thấy nhất của Bắc Kinh đó là tránh việc sử dụng vũ lực trực tiếp trong tranh chấp tại khu vực láng giềng. Bởi lý do đó, Washington có thể sẽ không gặp khó khăn gì trong nỗ lực ngăn cản hành vi sử dụng vũ lực có thể có của Trung Quốc, ở đây chúng ta đã giả định rằng các bên có yêu sách khác sẽ không là nước khơi mào đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Tuy nhiên, các nỗ lực ngăn cản các hành vi cưỡng ép là một câu chuyện khác. Như đã phân tích ở trên, Bắc Kinh nói rõ rằng họ sẽ không chấp nhận những gì mà họ coi là các hành động khiêu khích không thể bỏ qua, và sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng ép nếu cần thiết. Do đó, Washington cần phải thể hiện rõ ràng và thuyết phục rằng họ sẽ phản đối các hành động khiêu khích của các nước khác giống như cách mà họ phản đối Trung Quốc. Cho dù vẫn cần nói rõ rằng Mỹ sẽ bảo vệ về mặt quân sự cho các đồng minh nếu họ bị Trung Quốc tấn công nhưng Washington cũng phải quyết định xem việc ngăn chặn bất kỳ hành vi cưỡng ép phi bạo lực nào của Trung Quốc đối với các bên tranh chấp khác có vai trò quan trọng thế nào tới lợi ích của Mỹ và trong nỗ lực này, Mỹ sẽ chỉ có thể làm những gì? Nếu Mỹ có giả định sai lầm rằng chính sách ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm đạt được vị thế bá chủ khu vực thông qua các biện pháp hung hăng và từ đó hiểu sai về các hành động của Trung Quốc trong các tranh chấp láng giềng, thì phản ứng của Mỹ đối với các động thái cưỡng ép của Trung Quốc trong tương lai (cũng như các động thái của Trung Quốc giúp đem lại cho họ ưu thế rõ rệt trong tranh chấp chủ quyền) sẽ chắc chắn tạo ra một vòng leo thang đối đầu luẩn quẩn với Bắc Kinh, và cuối cùng sẽ là một cuộc cạnh tranh bên được bên mất cho vị thế bá chủ tại Châu Á. Để tránh kết cục mà chắc chắn không ai mong muốn này, Washington cần xây dựng một chiến lược láng giềng trong đó đưa ra các lợi ích chung sâu rộng hơn với Bắc Kinh, để có thể tận dụng các khía cạnh tích cực của chính sách ngoại giao láng giềng, cùng với đó tiếp tục giảm bớt tầm quan trọng và sự liên quan của các tranh chấp xung quanh khu vực. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.


Michael D. Swaine*

Nghiên cứu Biển Đông (dịch)

Tác giả thực sự cảm ơn những đóng góp hết sức giá trị của Audrye Wong trong việc chuẩn bị bài viết này.

[1] Cách tiếp cận tuyệt đối này, ít nhất là ở mức độ công khai, là điển hình cho quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân tộc. Nhóm biên tập: Michael D. Swaine và Zhang Tuosheng với Danielle F.S. Cohen, Managing Sino-American Crises: Case Studies and Analysis, Carnegie Endowment for International Peace (2006).
[2] Xem Michael D. Swaine, “Chinese Views Regarding the Senkaku/Diaoyu Islands Dispute,” China Leadership Monitor, Số 41 (Mùa xuân 2013); Michael D. Swaine, “Chinese Views and Commentary on the East China Sea Air Defense Identification Zone,” China Leadership Monitor, Số 43 (Mùa xuân 2014).
[3] Xem Swaine, “Chinese Views Regarding the Senkaku/Diaoyu Islands Dispute”; Swaine, “Chinese Views and Commentary on the East China Sea Air Defense Identification Zone”; và Swaine and Fravel, “China’s Assertive Behavior—Part Two: The Maritime Periphery.”
[4] Jin Canrong and Duan Haowen, “New Features of the Peripheral International Environment and China’s Response,” Xiandai Guoji Guanxi, 20/10/2013.
[5] Swaine and Fravel, “China’s Assertive Behavior—Part Two: The Maritime Periphery”; Michael D. Swaine, “Chinese Leadership and Elite Responses to the U.S. Pacific Pivot,” China Leadership Monitor, số 38 (Mùa hè 2012).

Không có nhận xét nào: