Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Tai nạn Thiên Tân : Tham nhũng cắt xén chuẩn an toàn công nghiệp


tianjin 140815Thiên Tân : Người bị thương sau vụ nổ . Ảnh ngày 14/08/ 2015.
REUTERS/Damir Sagolj
Minh Anh (RFI) – Thảm họa công nghiệp tại Thiên Tân, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngoại trưởng Mỹ đến La Habana khai trương sứ quán Mỹ là ba chủ đề nổi cộm trên các báo Pháp ngày 14/08/2015.
Tối thứ Tư 12/8, hai vụ nổ lớn chỉ cách nhau có 30 giây, một vụ có sức nổ tương đương với 3 tấn TNT và vụ khác 21 tấn TNT đã làm rung chuyển thành phố Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc. Một quả cầu lửa bốc lên cao hàng chục mét. Trạm báo động động đất bên cạnh còn ghi lại được dư chấn và vụ nổ có thể thấy được từ các vệ tinh trên không gian. Theo thống kê sơ bộ đưa ra có ít nhất 70 người chết và 700 người bị thương, trong đó có 71 người trong tình trạng nguy kịch. Hàng ngàn binh sĩ đã được triển khai để dập lửa và họ đã trả giá đắt : 12 lính cứu hỏa đã tử nạn, 18 người khác vẫn bị mất tích, và 66 người bị thương.

Sự việc được các tờ báo lớn tại Paris đồng loạt đưa tin. Le Monde với tấm ảnh cảnh đổ nát ngày hôm sau vụ nổ, đưa tít lớn trên trang nhất : « Tại Trung Quốc : Cảnh tan hoang sau một tai nạn hạt nhân ». Libération đăng lại tấm ảnh cho thấy những hàng xe ô-tô bị cháy xém đề tựa « Tại Trung Quốc, Thiên Tân dưới đống tro tàn ». Tờ báo Cộng sảnh L’Humanité thông báo : « Một tai nạn công nghiệp tàn phá cảng Thiên Tân ».
Hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận định : Đây là một « Thảm họa công nghiệp ». Theo các tờ báo, khu đô thị 15 triệu dân này là một vùng công nghiệp có tầm quan trọng lớn, nằm cách thủ đô Bắc Kinh 140 km về phía bắc. Nơi xảy ra vụ nổ tọa lạc ở khu phố mới Binhai, nơi tập trung các khu nhà xưởng, nhà máy lọc dầu, những ngành công nghệ mũi nhọn như siêu máy tính Tianhe-1A và đặc biệt là xưởng lắp ráp Airbus. Xưởng này may mắn nằm ở phía bắc thành phố nên không bị ảnh hưởng.
Đây cũng là nơi có nhiều xí nghiệp nước ngoài. Theo nhật báo cộng sản L’Humanité, nhiều hãng xe hơi nước ngoài tại đây đã không có may mắn thoát được « bà Hỏa » như Toyota. Hơn 10.000 chiếc mới đã bị thiêu hủy trong đó hãng Renault của Pháp 1500 chiếc và Volkswagenn là 2750 chiếc.
Thảm họa công nghiệp hay thảm họa môi trường ?
Thế nhưng, theo L’Humanité thảm họa công nghiệp này giờ có thể sẽ biến thành thảm họa môi trường. Bởi sự việc xảy ra tại kho vận chuyển và tồn trữ các loại «hóa chất nguy hiểm » do doanh nghiệp tư nhân Rui Hai International Logistics quản lý. Chính các loại hóa chất này gây nhiều khó khăn cho các nhân viên cứu hỏa. « Mùi hóa chất nồng nặc cũng có nghĩa là lửa có thể bốc cháy bất kỳ lúc nào và rất là nguy hiểm khi lại gần », theo tường thuật của Tân Hoa Xã, được L’Humanité trích dẫn. Hiện tại 214 chuyên gia về rủi ro hạt nhân và sinh hóa đã được gởi xuống hiện trường.
L’Humanité nhắc lại, năm 2014, các thanh tra đã từng lưu ý có dấu vết của những hóa chất dễ gây cháy được tìm thấy trong các kho bãi như : butanone, một loại dung môi dễ gây hỏa hoạn, muối xyanure và khí ga nén tự nhiên.
Tham nhũng : nguồn cội của mọi thảm họa
Tuy cho đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ, nhưng các báo đều đồng tình một điểm : Chính tham nhũng đang cắt xén dần các chuẩn về an toàn công nghiệp. Về điểm này, La Croix trong bài viết đề tựa « Phải chăng an toàn công nghiệp tại Trung Quốc không đầy đủ ? » có những giải thích khá rõ.
Theo nhật báo, nguyên nhân đầu tiên là do tham nhũng. Trung Quốc có rất nhiều quy định về an toàn nhưng chưa bao giờ được tuân thủ. Nghĩ rằng xa « Mặt trời », nên đôi khi chính quyền địa phương muốn làm gì thì làm. Tham nhũng đã cản trở mọi việc thực thi các điều luật. Chính vì thế mà chính phủ Bắc Kinh hiện nay đang vật vã đấu tranh chống lại tệ nạn này.
Về phần doanh nghiệp, việc không tuân theo các qui định có thể giúp cho họ giảm được chi phí sản xuất càng thấp càng tốt để giành thế cạnh tranh. Nhất là đối với những doanh nghiệp nào dựa vào mô hình sản xuất giá thành thấp, đầu tư có tuân thủ các quy định trên thực tế có thể bị dội giá cao.
Trên bình diện đô thị hóa, mở rộng kích cỡ đô thị đã đẩy các khu dân cư ngày càng xích lại gần các khu công nghiệp nguy hiểm, mà Thiên Tân là ví dụ điển hình. Trong đó, những người nghèo nhất và dân nhập cư đến từ nông thôn, sinh sống trong những khu nhà tạm bợ là những người bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đào tạo yếu kém, quản lý mập mờ
Ngoài vấn đề tham nhũng, quy hoạch đô thị không phù hợp, chính thái độ mập mờ, che che giấu giấu của chính quyền Bắc Kinh cũng góp phần làm hạn chế công tác kiểm soát các quy định an toàn.
Theo bài viết « Các vụ nổ Thiên Tân gây sốc Trung Quốc » của Le Figaro, chính quyền Trung Quốc thường hay xử lý các cuộc điều tra tìm kiếm thủ phạm của các thảm họa một cách mập mờ. Điều này đã làm nảy sinh mối nghi kỵ trong người dân như là vụ động đất dữ dội tại Tứ Xuyên làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về việc xây dựng kho chứa hóa chất nguy hiểm quá gần với khu dân cư. Theo nhật báo Caixin, nhân viên của doanh nghiệp này cũng không được đào tạo đặc biệt về vấn đề bảo đảm an toàn.
Điều khôi hài được L’Humanité tường thuật lại hồi tuần rồi chính quyền thành phố Thiên Tân vừa mới tổ chức một buổi họp về chủ đề dự phòng các rủi ro với các doanh nghiệp đóng trong khu vực. Có lẽ vì vậy mà « bà Hỏa » đã thử thách trình độ của các học viên này.
Chuỗi tai nạn công nghiệp
Các báo Pháp nhắc lại đây không phải là tai nạn đầu tiên. Các sự cố không chỉ ở những cơ sở nhỏ mà cả ở những khu công nghiệp công nghệ cao, cả ở tư nhân lẫn ở nhà nước. Cách đây một năm, ở Thượng Hải, 75 người đã bị thiệt mạng sau một loạt vụ nổ tại nhà máy sản xuất linh kiện ô tô. Vào tháng 6/2013, tại tỉnh Cát Lâm, 119 người bỏ mạng trong trận hỏa hoạn tại lò mổ gà vịt.
Tháng 8/2014, nổ nhà máy sản xuất linh kiện ô tô Côn Sơn cướp đi 146 nạn nhân. Và mới đây, tháng 7 rồi, 15 người bỏ mạng trong một xưởng sản xuất pháo hoa lậu tại Hà Bắc. Đặc biệt, vào tháng 11/2013, một vụ rò rỉ ông dẫn dầu của tập đoàn Nhà nước Sinopec đã dẫn đến vụ nổ ngay trung tâm thành phố Thanh Đảo giết chết 62 người.

Không có nhận xét nào: