Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Trần Công Trục - Tranh chấp nổi lên trên vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brévié

Campuchia cắt xén nội dung bức thư của Toàn quyền Đông Dương Brévié làm phức tạp thêm tranh chấp.

Tiếp theo bài  "Tại sao Hun Sen lại nói "không thể đòi" Phú Quốc, Nam Bộ?" Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về vấn đề tranh chấp trên vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brévié.

                             Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Lợi ích kinh tế làm nảy sinh tranh chấp

Tranh chấp chủ quyền các đảo và biên giới trên vịnh Thái Lan giữa Campuchia và Việt Nam chỉ bắt đầu vào năm 1931, khi Khâm sứ Pháp ở Campuchia nhận được một đơn xin đặc nhượng một miếng đất trên đảo Koh Tang. Ngoài ra ông Fournier, Tỉnh trưởng Hà Tiên trong vòng không đầy một tháng đã nhận được 14 bản khai về chu vi các mỏ khoáng sản liên quan đến các đảo trong vịnh.

Các mỏ này có những vỉa rất giàu quặng phốt phát, quặng sắt khiến nhiều nhà thăm đò lưu tâm. Lấy lý do các đảo gần bờ biển Campuchia, Khâm sứ Campuchia kiến nghị Thống đốc Nam Kỳ giao các đảo đó cho chính quyền Campuchia vì “vị trí địa lý của các đảo này gắn bó chúng một cách tự nhiên vào Campuchia là nơi việc giám sát có thể tiến hành tốt hơn do gần nhà đương cục Campuchia".

Theo yêu cầu của Thống đốc Nam Kỳ, Khâm sứ Campuchia bằng thư đã trả lời rằng: "Mặc dầu đã tiến hành tìm kiếm tỉ mỉ, vẫn không thể thu thập được các yếu tố nghiêm chỉnh cho phép xác định một cách tuyệt đối các quyền tương ứng của Nam Kỳ và Campuchia đối với các đảo trong vịnh Xiêm".

Về việc này, ông Khâm sứ Campuchia đưa ra một sơ đồ vịnh Thái Lan, trong đó có một ranh giới giả định được Phòng Địa bạ Campuchia trình bày mà theo ông ta cho rằng có thể thích hợp vì đường ranh giới đó có tính đến vị trí địa lý, các ảnh hưởng tương ứng của Nam Kỳ và của Campuchia và các sắc tộc của vài ngôi làng có các ngư dân định cư tại đó.

Đường phân chia đó chạy gần như song song với vĩ tuyến 10°30’ ở phía Bắc đảo Phú Quốc, có thể cho Campuchia vài hòn đảo gần bờ biển của nước này; đó là các đảo Phú Dự, đảo Tiên Mối và đảo Dừa.

Tuy nhiên, phía Campuchia lúc này đã chỉ đưa ra yêu sách đối với nhóm các đảo gần Réam mà  không có yêu sách gì về đảo Phú Quốc lẫn nhóm đảo Hải Tặc, hay các đảo ở ngoài biển khơi. Thống đốc Nam Kỳ không chấp nhận kiến nghị nói trên và vấn đề bị treo lại cho đến năm 1936.

Khác với cuộc tranh cãi năm 1913, nguồn gốc cuộc tranh chấp trong thời kỳ 1936-1937 do các lý do về thuế khoá tạo ra. Chính quyền bảo hộ Campuchia lấy lý do thu thuế các ngư dân trong vùng nêu ra việc cần thiết phải giải quyết dứt điểm vấn đề quyền sở hữu về các đảo đó.

Thực vậy, ngư dân Campuchia thường qua lại các đảo và các mỏm đá thuộc chủ quyền của Nam Kỳ để tiếp tế nước ngọt và để ẩn náu khi thời tiết xấu. Cho đến năm 1935, ngư dân Campuchia vẫn đóng một phần thuế cho Campuchia.

Đảo Thổ Chu thuộc huyện Thổ Châu tỉnh Kiên Giang, Việt Nam trên Google Maps, điểm đánh dấu đỏ. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, do việc Nam Kỳ đặt các trạm thuế quan trên một số đảo và mức thuế lợi hơn nhiều so với tiền thuế do nhà đương cục Campuchia thu, nên dần dần họ từ chối không nộp thuế cho tỉnh Kampot, và họ muốn nộp thuế cho Nam Kỳ. Tất nhiên, sự thay đổi đó làm thiệt hại cho ngân sách địa phương Kampot.

Khâm sứ Campuchia liền đề nghị với Thống đốc Nam Kỳ một tạm ước: "Vì lý do quy chế đặc biệt của các lãnh thổ đó, là những lãnh thổ mặc dầu nằm trong vùng biển gần với Campuchia, nhưng về pháp luật lại thuộc chủ quyền của Nam Kỳ, đối với tôi sẽ có ích nếu chấp nhận đối với vấn đề thu thuế các vùng đánh cá một tạm ước (modus vivendi) tính đến tình hình thực tế hơn là tình hình pháp luật", Thư của Khâm sứ Campuchia gửi Toàn quyền Đông Dương viết.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề thuế khoá, Tỉnh trưởng Hà Tiên đề ra việc lấy tiêu chuẩn là nơi cư trú hợp pháp của thuộc dân. Người địa phương ghi tên và cư trú ở Nam Kỳ, đánh cá ở các vùng ngay gần các đảo của Nam Kỳ sẽ chịu chế độ thuế áp dụng tại thuộc địa này. Trái lại, quy định đang thi hành ở Campuchia sẽ áp dụng đối với những người thuộc quốc tịch Campuchia và đóng thuế thân ở Campuchia.

Tuy nhiên chính quyền bảo hộ Campuchia từ chối đề nghị hợp lý đó lấy lý do là nơi cư trú hợp pháp của ngư dân trước đây khó xác định chính xác, vì ngư dân là nhóm cư dân sống bồng bềnh trên mặt nước, những người "chỉ có thể tìm đến chỗ họ bằng cách dùng ca nô đi đến những nơi họ đánh cá, và họ trước hết luôn tìm cách lẩn tránh các nhân viên thu thuế”. 

Khâm sứ Campuchia gợi ý một giải pháp khác ấn định một ranh giới gần như song song với bờ biển, cách bờ biển 5 km. Phía trong đường phân định này, các vùng đánh cá sẽ được đặt dưới quy định của Campuchia, phía ngoài đường phân định chúng sẽ chịu các khoản thuế áp dụng ở Nam Kỳ.

Cần lưu ý là nếu kiến nghị này được chấp nhận, các đảo Phú Dự, Tiên Mới và đảo Dừa sẽ nằm trong lãnh hải của Campuchia và "Campuchia, nước bảo hộ, sẽ được kiểm soát một phần lãnh thổ Nam Kỳ, xứ có chủ quyền đầy đủ". Tất nhiên nhà cầm quyền Nam Kỳ không muốn như vậy.

Nhưng vì cho rằng giải pháp này sẽ gây ra những trở ngại đáng kể, Khâm sứ Campuchia kết luận là nên giữ nguyên trạng và đề nghị Thống đốc Nam Kỳ đồng ý. Do đó, nhà cầm quyền Campuchia có thể tiếp tục như trước đây thu thuế của một số ngư dân Campuchia, sống trên các đảo của Nam Kỳ gần bán đảo Réam và bờ biển Campuchia. 

Bằng bức thư N°13124 ngày 8-12-1936, Thống đốc Nam Kỳ cho biết là ông đồng ý với quan điểm của Khâm sứ Campuchia về việc nên duy trì nguyên trạng, với điều kiện là chính quyền bảo hộ của Campuchia phải: 

1. Nhân danh nước Bảo hộ, đồng ý là các đảo có liên quan được nêu tên cụ thể, là thuộc chủ quyền Nam Kỳ;

2. Quyết định các khoản thuế đang thu hiện nay không vì lý do gì sẽ có thể mở rộng sang các đảo khác;

3. Quyết định rằng khoản bồi hoàn nguyên tắc 100$ mỗi năm sẽ được tỉnh Kampot trả cho tỉnh Hà Tiên.

        Các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trên đảo Thổ Chu, ảnh: Ngọc Tiến/Hà Nội Mới.

Toàn quyền Đông Dương Brévié vạch ranh giới kiểm soát hành chính trên vịnh Thái Lan

Sau đó, chính phủ Bảo hộ Campuchia cho rằng phải đưa tranh chấp này lên người đứng đầu chính quyền thuộc địa Pháp ở toàn cõi Đông Dương để tranh thủ, lợi dụng thời điểm bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương mới là Brévié mà tên tuổi gắn liền với lịch sử các quan hệ trên biển giữa Campuchia và Việt Nam. Như vậy, Khâm sứ Pháp ở Campuchia đã đặt vấn đề chuyển giao một số đảo từ trước đến năm 1937 thuộc Nam Kỳ sang cho Campuchia.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 20-9-1915: "Mọi sự chuyển dịch lãnh thổ giữa các xứ trong Đông Dương thuộc Pháp được thực hiện bằng một nghị định của Toàn quyền Đông Dương, được Hội đồng Chính phủ Đông Dương thông qua, sau khi có ý kiến của Hội đồng Bảo hộ, Hội đồng Thuộc địa. Các Nghị định đó chỉ có hiệu lực khi được các Bộ trưởng Thuộc địa chuẩn y". 

Chấp hành quy định đó, Toàn quyền Đông Dương Brévié đã gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia và Thống đốc Nam Kỳ bản dự thảo nghị định vạch một đường xuất phát từ biên giới đất liền giữa Campuchia và Nam Kỳ, chạy ra biển vòng qua Bắc đảo Phú Quốc cách các điểm nhô ra nhất của bờ Bắc đảo Phú Quốc 3km, coi đó là đường biên giới giữa hai bên.

Các đảo phía Bắc đường này được sát nhập vào Campuchia, các đảo phía Nam đường này tiếp tục thuộc Nam Kỳ. Hội đồng bảo hộ Campuchia đã đồng ý với dự thảo, nhưng Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ trong phiên họp ngày 26-1-1938 đã không đồng ý với dự thảo và đề nghị: Xét về cả ba mặt lịch sử, chính trị và dân tộc “các đảo đó cần được tiếp tục thuộc Nam Kỳ".

Trước tình hình đó, Toàn quyền Đông Dương không ra Nghị định về chuyển dịch lãnh thổ giữa hai xứ mà dùng một hình thức thấp hơn hẳn là gửi một bức thư ngày 31-1-1939 cho Thống đốc Nam Kỳ vạch một đường hợp với kinh tuyến Bắc tạo thành một góc 140°, đường đó vòng qua phía Bắc đảo Phú Quốc cách các điểm nhô ra nhất của bờ phía Bắc đảo Phú Quốc 3km. Trong thư không nói rõ đường đó chấm dứt ở đâu.

Tất cả các đảo ở phía Bắc con đường này từ nay sẽ do Campuchia quản lý; tất cả các đảo phía Nam con đường này, kể cả toàn bộ đảo Phú Quốc sẽ tiếp tục do Nam Kỳ quản lý. Trong thư này Toàn quyền Đông Dương dùng hai từ khác nhau: đối với Campuchia là “từ nay", còn đối với Nam Kỳ là "tiếp tục".

Bức thư nói rõ: Đương nhiên là ở đây chỉ đề cập đến vấn đề hành chính và cảnh sát, còn vấn đề quy thuộc lãnh thổ của các đảo này hoàn toàn được bảo lưu. Bức thư này được đồng gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia. Ông này cho đăng bức thư trong Công báo Campuchia trong mục Thông tư, nên về sau mới có người lầm lẫn gọi là "Thông tư Brévié".

Campuchia cắt xén nội dung bức thư của Toàn quyền Đông Dương Brévié làm phức tạp thêm tranh chấp

Đáng lưu ý là khi đăng bức thư này, Khâm sứ Campuchia đã cắt bỏ một đoạn nội dung của bức thư khẳng định việc hoàn toàn bảo lưu vấn đề quy thuộc lãnh thổ. Thống đốc Nam Kỳ đã không cho đăng bức thư của Toàn quyền Đông Dương Brévié trong Công báo.

Vì bức thư không được đăng trong Công báo Đông Dương và Công báo Nam Kỳ, bản được đăng ở Công báo Campuchia lại không theo đúng nguyên bản nên cho đến nay cả ta và Campuchia đều chưa tìm thấy sơ đồ của đường Brévié đính kèm theo bức thư của Toàn quyền Đông Dương.

Cũng vì vậy hiện nay có nhiều cách thể hiện về đường Brévié. Ví dụ: Trong luận án tiến sỹ của Sarin Chhak, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia thời Sihanouk, đường Brévié được thể hiện không phải là một đường liên tục mà là một đường đứt đoạn với 4 đoạn cách nhau khá xa.

Bộ Tư lệnh Hải quân  của Việt Nam Cộng hòa khi công bố đường ranh giới tuần tiễu trên biển đã thể hiện đường Brévié chấm dứt ngay ở Đông Bắc Phú Quốc. Tiến sĩ Mark J. Valencia thuộc trung tâm Đông - Tây của Hoa Kỳ trong một cuốn sách xuất bản năm 1985 đã thể hiện đường Brévié theo các đoạn thẳng, cách các điểm nhô ra nhất của đảo Phú Quốc 3km. 

     Cầu cảng Bãi Ngự xã đảo Thổ Châu, huyện Thổ Châu tỉnh Kiên Giang. Ảnh: dulich-phuquoc.vn

Đây cũng là cách mà Nicholas Prescott, giáo sư người Australia thể hiện trong một cuốn sách xuất bản năm 1981. Cách thứ tư là cách vẽ của chính quyền Pol Pot khi công bố bản đồ nước Campuchia tháng 8-1977. Đây là cách thể hiện xa rời câu chữ của bức thư Brévié nhất:

Trong thư viết đường Brévié vòng qua Bắc đảo Phú Quốc, cách điểm nhô ra nhất của bờ Bắc đảo Phú Quốc 3km thì sơ đồ này đã thể hiện đường Brévié vòng từ phía Bắc đảo rồi trở lại về phía Đông Nam đảo theo một đường liên tục, điểm nào cũng cách bờ biển Phú Quốc 3km.

Tóm lược lại tranh chấp chủ quyền các đảo trong vịnh Thái Lan giữa Campuchia và Việt Nam

Lược lại những dấu mốc diễn biến chính của vấn đề biên giới trên biển và chủ quyền đối với các đảo trên vịnh Thái Lan giữa Campuchia và Việt Nam có thể thấy, tình trạng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia trong lịch sử là rất phức tạp. Giai đoạn trước năm 1939, là giai đoạn có nhiều tranh chấp phức tạp nhất về chủ quyền, các quyền và lợi ích giữa hai nước đối với các đảo và vùng biển có liên quan.

Ngay cả khi thực dân Pháp sau khi đã thiết lập xong chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ và chính quyền bảo hộ ở Campuchia cũng phải tìm cách xác định về mặt giới hạn địa lý và quản lý hành chính giữa 2 bên bằng những Hiệp ước, Nghị định, Quyết định.

Năm 1858, Pháp bắt đầu đánh chiếm Việt Nam, Việt Nam thua trận phải ký Hiệp ước nhường cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Hà Tiên và các đảo thuộc tỉnh này.

Trong một thời gian dài, từ thế kỷ XVIII (1715) đến tận đầu thế kỷ XX (1913), vấn đề chủ quyền các đảo trong vịnh Thái Lan đã không hề được nêu ra cho đến khi người Pháp đến, các đảo đó từ trước đã thuộc sở hữu của vương quốc An Nam và chúng được chuyển giao cho nhà cầm quyền Pháp căn cứ vào Hiệp ước giữa triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam với nước Pháp ký ngày 15/3/1874.

Bằng các Nghị định ký ngày 25/5/1874 và 16/6/1875, Thực dân Pháp đã đặt các đảo dưới quyền cai trị của Hà Tiên. Mãi đến năm 1913, khi đặt vấn đề xung quanh việc xin đặc nhượng và thu thuế các ngư dân trong vùng (1936-1937) vấn đề quy thuộc quyền quản lý các đảo mới được đặt ra.

Đến năm 1939, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương vạch ra đường Brévié phân chia khu vực quản lý hành chính và cảnh sát giữa 2 nước trên vịnh Thái Lan. Như vậy có thể thấy rằng, từ thế kỷ XVIII đến năm 1939, toàn bộ các đảo giữa Việt Nam và Campuchia đều thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chỉ từ sau năm 1939 theo quyết định của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, Campuchia mới được "phân công quản lý hành chính" các đảo phía Bắc đường Brévié chứ không đặt vấn đề quy thuộc lãnh thổ, nói cách khác là bảo lưu tình trạng quy thuộc lãnh thổ đã có trước đó.

Mời quý độc giả đón đọc bài phân tích tiếp theo: "Hiệp định về vùng nước lịch sử và lời nhắn Thủ tướng Hun Sen" của Tiến sĩ Trần Công Trục trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ts Trần Công Trục

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: