Pages

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Trung Quốc và chiến dịch thúc đẩy quyền lực mềm

Bắc Kinh đang dùng phương tiện mạnh nhất trong công cụ quyền lực mềm của mình: tiền. Nhưng điều đáng chú ý về khoản đầu tư của Trung Quốc là đến khi nào thì mới thấy được lợi nhuận. Hành động mạnh hơn lời nói, và ở nhiều nơi trên thế giới, hành xử của Trung Quốc thực tế mâu thuẫn với lời lẽ ôn hòa.

Là một quốc gia tăng trưởng mạnh trên toàn cầu, Trung Quốc tự nhận thức được rằng hình ảnh của nó rất quan trọng. Nhưng thay vì tiềm lực mạnh về kinh tế và quốc phòng, đất nước này đang bị thiếu hụt nghiêm trọng về quyền lực mềm. Kết quả điều tra thực hiện trên toàn cầu cho thấy rõ ràng Trung Quốc đang thể hiện hình ảnh trái ngược. Trong khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc gây ấn tượng mạnhtrên toàn thế giới, uy tín và hình ảnh của quốc gia này lại đang dần hoen ố. Và vì vậy, trong một nỗ lực nhằm cải thiện ý kiến dư luận, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bằng mọi cách đầu tư hàng tỷ đô la cho các chiến dịch quảng bá hình ảnh quốc gia trên các phương tiện đại chúng toàn thế giới.

Mặc dù chiến dịch đã công khai từ năm 2007 dưới thời Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, nó được tăng cường dưới thời Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trong tháng 10 năm 2011, khi Tập chuẩn bị lên nắm quyền lực, Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS Trung Quốc) đã dành cả phiên họp toàn thể cho vấn đề văn hóa, ra thông cáo báo chí với tuyên bố rằng mục tiêu quốc gia nhằm "xây dựng đất nước thành một siêu cường văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Và trong năm 2014, Tập tuyên bố: "Chúng ta cần tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, thể hiện một Trung Quốc tốt đẹp và chuyển tải tốt hơn thông điệp Trung Quốc ra thế giới”. Dưới thời Tập, Trung Quốc đã dồn dập tung ra một mớ các sáng kiến "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa", "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21", "quan hệ các nước lớn kiểu mới",... Các sáng kiến kiểu " ngoại giao khẩu hiệu" thế này dễ bị bỏ qua nhưng Bắc Kinh thì rất coi trọng.

Trung Quốc khuếch trương các sáng kiến hoa mỹ này trong các đề xuất thành lập, chẳng hạn Ngân hàng Phát triển mới (một dự án của Trung Quốc cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á và Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương). Tất cả các định chế tài chính này sẽ hỗ trợ cho một loạt các tổ chức khu vực mà Trung Quốc đã tạo ra ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và Trung, Đông Âu. Thông qua các tổ chức này, Trung Quốc đang xây dựng một cách tỉ mỉ một kiến ​​trúc thay thế cho trật tự của phương Tây sau chiến tranh.

Trung Quốc hỗ trợ quyền lực mềm với lượng tiền khủng: 50 tỷ USD cho  Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, 41 tỷ cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 tỷ cho Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và 25 tỷ cho Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh cũng đã cam kết đầu tư 1,25 nghìn tỷ trên toàn thế giới vào năm 2025. Quy mô đầu tư này là chưa từng có: ngay cả trong thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô cũng không đầu tư bất cứ nơi nào nhiều như Trung Quốc hiện nay. Đồng thời, những cam kết gần đây của Bắc Kinh lên tới 1.41 nghìn tỷ USD; ngược lại, chi phí cho kế hoạch Marshall tương đương 103 tỷ USD theo giá USD hiện nay.

Kế hoạch ngoại giao và phát triển của Trung Quốc chỉ là một phần của một chương trình nghị sự còn lớn hơn nhiều nhằm tăng cường quyền lực mềm của nó trên các phương tiện truyền thông, xuất bản, giáo dục, nghệ thuật, thể thao, và các lĩnh vực khác. Không ai biết chắc chắn Trung Quốc chi tiêu bao nhiêu cho các hoạt động này, nhưng các nhà phân tích ước tính rằng ngân sách hàng năm dành cho các "tuyên truyền đối ngoại" ở các nước láng giềng là 10 tỷ USD. Ngược lại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chi 666 triệu USD cho ngoại giao công chúng trong năm tài chính 2014.

Rõ ràng, Bắc Kinh đang dùng phương tiện mạnh nhất trong công cụ quyền lực mềm của mình: tiền. Hiện nay bất cứ nơi nào xuất hiện các nhà lãnh đạo Trung Quốc (trong số đó, Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thăm hơn 50 quốc gia vào năm 2014), họ đều ký những hợp đồng thương mại và đầu tư rất lớn, mở rộng các khoản vay hào phóng, và chi ra các gói cứu trợ khổng lồ. Các cường quốc lớn  luôn cố gắng sử dụng phương tiện tài chính để mua ảnh hưởng và định hình các hành động của nước khác; về vấn đề này, Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Nhưng điều đáng chú ý về khoản đầu tư của Trung Quốc là đến khi nào thì mới thấy được lợi nhuận. Hành động mạnh hơn lời nói, và ở nhiều nơi trên thế giới, hành xử của Trung Quốc thực tế mâu thuẫn với lời lẽ ôn hòa.

Tuyên truyền

Cha đẻ của quyền lực mềm, nhà khoa học chính trị Joseph Nye, xác định quyền lực mềm bắt nguồn chủ yếu từ xã hội, cụ thể là văn hóa, chính trị, và giá trị xã hội. Nye cũng thừa nhận rằng hệ thống chính trị và chính sách ngoại giao của một quốc gia cần được xem trọng và do đó đóng góp vào quyền lực mềm của nó.

Khi đất nước đã mở cửa ra thế giới, Trung Quốc phải cố gắng hơn nữa để duy trì sự nắm giữ thông tin, và những nỗ lực trên mặt trận này càng trở nên tinh vi hơn. Hiện nay, tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng để kiểm soát thông tin không chỉ bên trong Trung Quốc, mà còn tăng cường ra bên ngoài nữa.

Trung tâm đầu não thể chế của hoạt động này là Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO). Tọa lạc trong một tòa nhà từ thời Liên Xô cũ giữa trung tâm Bắc Kinh, có vẻ như đây là một phần của Bộ Sự thật trong cuốn “1984” của George Orwell. SCIO, tạo thành một phần của một bộ máy tuyên truyền rộng rãi, phối hợp các nỗ lực tuyên truyền khác nhau, có một đội ngũ nhân viên hùng hậu, một ngân sách khổng lồ, và nhiều ảnh hưởng quyền lực.

Cứ tới tháng mười hai, SCIO triệu tập một hội nghị hàng năm để định hướng công tác tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc cho năm tới. Jiang Weiqiang, Thứ trưởng phụ trách SCIO, cho biết năm 2009, các kế hoạch chi tiết bao gồm "triển lãm, ấn phẩm, hoạt động truyền thông, chương trình trao đổi,  ‘Năm của Trung Quốc’, lễ hội ở nước ngoài, và các hoạt động khác." Jiangcũng gọi định hướng này là "Chiến lược sức mạnh mềm của chúng tôi”. Thời điểm áp dụng không được tiết lộ nhưng các kế hoạch này sau đó được xuất bản trong một cuốn sách gọi là Niên giám truyền thông Trung Quốc.

Ngoài vai trò chính giám sát phương tiện truyền thông và điều phối tất cả các thông tin liên lạc bên ngoài của Trung Quốc, SCIO hoạt động như một cơ quan có quyền đưa tin: cử phát ngôn, tổ chức họp báo, xuất bản tạp chí, sách và sản xuất phim.SCIO thậm chí còn phát triển cả một ứng dụng cung cấp cho người dùng  thông tin trực tiếp toàn bộ các sách trắng của chính phủ. Một số tuyên truyền của SCIO nhắm vào Đài Loan, Hồng Kông, và cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài – các đối tượng ưu tiên chính của Bắc Kinh. Ngoài ra mục tiêu tuyên truyền nhắm vào khách đến thăm Trung Quốc, bao gồm cả người nước ngoài, khách du lịch và doanh nhân, thông qua các nhà xuất bản như Báo chí tiếng nước ngoài và các tờ báo như China Daily và Global Times. Trách nhiệm chính của SCIO là xác định các ý tưởng được truyền bá ra nước ngoài và truyền tin cho các tổ chức khác của Trung Quốc.

Truyền thông và thông điệp

Một phần quan trọng trong chiến lược "ra ngoài" của Bắc Kinh đòi hỏi mở rộng đáng kể sự hiện diện phương tiện truyền thông ở nước ngoài, với mục đích thiết lập đế chế truyền thông toàn cầu của mình để phá vỡ những gì nó coi là "Sự độc quyền của các phương tiện truyền thông phương Tây". Nổi bật nhất trong những nỗ lực này là Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn nhà nước chính thức của Trung Quốc. Từ khi thành lập, Tân Hoa Xã đã có một vai trò kép, cả trong nước và quốc tế: báo cáo tin tức và phổ biến tuyên truyền Đảng Cộng sản. Nhìn chung, Tân Hoa xã hiện đang sử dụng khoảng 3.000 nhà báo, 400 người trong số họ đang ở nước ngoài tại 170 văn phòng. Và Tân Hoa Xã đang mở rộng đội ngũ nhân viên hiện tại và tăng cường sự hiện diện trực tuyến bằng nội dung âm thanh và hình ảnh.

Động cơ mở rộng Tân Hoa Xã ra toàn cầu không chỉ do mối quan tâm về hình ảnh quốc tế của Trung Quốc mà còn vì tiền. Tân Hoa Xã nhìn thấy cơ hội để cạnh tranh đối đầu với truyền thông phương Tây, chẳng hạn như Associated Press, United Press International, Reuters và Bloomberg. Mục tiêu, như một quan chức Tân Hoa Xã cho biết năm 2010, để trở thành một "hãng tin quốc tế thực thụ." Tân Hoa xã thậm chí che giấu tham vọng trở thành một tập đoàn đa phương tiện hiện đại, cạnh tranh chẳng hạn với News Corp, Viacom, và Time Warner. Và một khi sự hiện diện video trực tuyến được mở rộng, Tân Hoa Xã sẽ cố gắng đánh cắp thị phần từ các kênh tin tức 24 giờ như CNN, BBC, và Al Jazeera.

Trong việc tìm kiếm lợi nhuận, Tân Hoa Xã công bố các báo cáo rằng nó tung ra thị trường sản phẩm rẻ hơn so với các dịch vụ cung cấp từ phương Tây. Trong năm 2010, Tân Hoa Xã đã có 80.000 thuê bao trả tiền, tạo ra một nguồn doanh thu lớn. Cơ quan này đang đặt tầm ngắm vào các nước đang phát triển, nơi mà truyền thông phương Tây ít hơn và cũng là nơi không có cạnh tranh trong nước về tin tức quốc tế. Sự xâm nhập của Tân Hoa Xã còn giúp hoàn thành mục tiêu truyền thông điệp của Trung Quốc ra thế giới.

Kênh đứng đầu của nhà nước Trung Quốc, CCTV - Truyền hình Trung ương Trung Quốc, cũng phủ sóng toàn cầu. Năm 2000, CCTV lần đầu tiên phát kênh tiếng Anh 24 giờ, kênh CCTV quốc tế, nhưng giờ đây CCTV đã phát sóng với sáu thứ tiếngtrên toàn thế giới. Mạng truyền hình này đang cố gắng thay đổi kiểu tuyên truyền cứng nhắc, sản xuất chương trình có nội dung cởi mở hơn. Trong năm 2012, CCTV mở các cơ sở mới tại Nairobi, Kenya và  tại Washington D.C với kênh CCTV America đầy tham vọng. CCTV cho biết, Washington sẽ trở thành trung tâm toàn cầu về thu thập thông tin và phát sóng.

Trung Quốc cũng đang tăng cường thâm nhập vào sóng vô tuyến nước ngoài. Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, vốn được gọi là Đài phát thanh Bắc Kinh, thành lập năm 1941 như là một công cụ tuyên truyền chống  Nhật thời chiến tranh nhưng giờ đây vươn xa hơn. Với trụ sở chính tại Bắc Kinh, phát 392 giờ chương trình mỗi ngày với 38 thứ tiếng và đặt 27 văn phòng ở nước ngoài.

Những phương tiện truyền thông này tạo thành vũ khí chủ yếu trong một trận chiến  mà Trung Quốc xem như "cuộc chiến ngôn luận" với phương Tây, nơi Bắc Kinh đang chống lại những gì bị cho là bài Trung trên toàn thế giới. Nhưng các cơ quan chính thức khác cũng đang đóng vai trò trực tiếp trong cuộc chiến này. Đại sứ quán Trung Quốc hiện nay thường xuyên đưa ra các thôngcáo báo chí bác bỏ cách mà truyền thông nước ngoài mô tả Trung Quốc, rút lại toàn bộ trang quảng cáo trên báo chí nước ngoài,đe dọa các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các sự kiện bị coi là không thân thiện với Trung Quốc. Các Đại sứ công bố các phát biểu phản đối trên báo chí.

Một vũ khí nữa bổ sung cho những nỗ lực này. Chính phủ Trung Quốc hiện đang giám sát các bài viết của các nhà quan sát và nhà báo nước ngoài về Trung Quốc cẩn thận hơn bao giờ hết, tăng cường biện pháp đe dọa các phương tiện truyền thông nước ngoài cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, SCIO và Bộ Ngoại giao thường mời các nhà báo nước ngoài "trà đàm" để trách cứ về các bài viết được coi là không thân thiện với Trung Quốc.

Bài học của Trung Quốc

Một vũ khí khác trong kho vũ khí của Trung Quốc là giáo dục. Khoảng 300.000 sinh viên nước ngoài hiện đang du học tại các trường đại học Trung Quốc (phần lớn học ngôn ngữ Trung Quốc) cùng với số sinh viên các trường cao đẳng dạy nghề. Mỗi năm, Trung Quốc cấp khoàng 20.000 học bổng cho sinh viên nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc còn tổ chức một loạt các khóa học ngắn hạn cho các cán bộ, các nhà ngoại giao và các sĩ quan từ các nước đang phát triển. Những lớp học này dạy các kỹ năng nhất định nhưng đồng thời cũng cố gắng qua đó để chiếm được trái tim và khối óc của học viên.

Tuy nhiên các trường đại học của Trung Quốc vẫn chưa chen chân được vào nhóm tinh hoa trên toàn cầu. Trung Quốc mới chỉ có ba trường đại học - Bắc Kinh, Thanh Hoa và Phúc Đán - xuất hiện trong bảng xếp hạng 100 trường đứng đầu thế giới  do Times Higher Education bình chọn. Đổi mới, ưu tiên kinh tế hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, đòi hỏi phải khai thác tiềm năng trí tuệ từ trứng nước, nhưng phương pháp sư phạm giáo dục Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi lối mòn lịch sử là học thuộc lòng và gây ức chế về tâm lý.

Viện Khổng Tử, với trách nhiệm dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài, là phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục. Với 475 trung tâm đang hoạt động tại 120 quốc gia, các Viện Khổng Tử đã thiết lập được vị trí của mình trên toàn thế giới. (Ngược lại, Viện Goethe của Đức thành lập lâu đời mới có 160 trung tâm ở 94 quốc gia, và Hội đồng Anh có 70 trung tâm trong 49 quốc gia). Nhưng các Viện Khổng Tử đã bị chỉ trích mạnh. Tại Hoa Kỳ và Canada, giáo sư đã kêu gọi các trường đại học đóng cửa các Viện Khổng Tử hoặc không mở tiếp vì lý do đã phá hoại tự do học thuật. Và tại một hội nghị nghiên cứu Trung Quốc vào năm 2014 ở Bồ Đào Nha, nhà Hán học người châu Âu cảm thấy đau lòng khi Xu Lin - Giám đốc một cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục, chuyên trách quản lý các Viện Khổng Tử, đã chỉ đạo xé bỏ các trang trong chương trình hội nghị đề cập tới Đài Loan. Cũng như ở Hoa Kỳ, cơ quan truyền thông và cơ quan lập pháp trên khắp châu Âu đang xem xét kỹ lưỡng các Viện Khổng Tử, và ít nhất một, tại Đại học Stockholm, cuối cùng đã quyết định đóng cửa.

Trên mặt trận khác, Bắc Kinh đang cố gắng quảng bá văn hóa và xã hội của mình ở nước ngoài thông qua thể thao, nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, văn học, và kiến trúc, đạt kết quả đáng kể. Triển lãm nghệ thuật về một thời vương triều giàu có của Trung Quốc luôn được ưa thích trên toàn thế giới; thực tế là di sản nền văn minh hơn 3000 năm của Trung Quốc có thể là quyền lực mềm mạnh nhất. Nghệ nhân Trung Quốc và các diễn viên cũng thu hút khán giả, cũng như sự tăng lên các nhạc sĩ cổ điển đẳng cấp thế giới, dẫn đầu bởi nghệ sĩ piano Lang Lang. Các bộ phim Trung Quốc tiếp tục gắng sức tìm chỗ trên thị trường quốc tế, nhưng các tác giả và các kiến ​​trúc sư Trung Quốc đang ngày càng nổi tiếng hơn bao giờ hết. Trong năm 2012, Mo Yan đoạt giải Nobel Văn học và Wang Shu đã đoạt giải Pritzker Kiến trúc. Mặc dù bóng rổ, khúc côn cầu, và các đội bóng đá chuyên nghiệp của Trung Quốc vẫn còn kém cạnh tranh so với Mỹ và các đối thủ châu Âu, các vận động viên Trung Quốc đã giành được huy chương Olympic trong một loạt các sự kiện.

Trung Quốc cũng đang tham gia vào cái gọi là "ngoại giao đăng cai", tổ chức vô số các hội nghị chính phủ và phi chính phủ.Các buổi họp kín quy mô lớn như Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (Davos của Trung Quốc), Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, Diễn đàn Bắc Kinh, Diễn đàn Hòa bình Thế giới tại Đại học Thanh Hoa, Diễn đàn Thế giới về Nghiên cứu Trung Quốc, và Hội nghị học giả toàn cầu – dẫn các lãnh đạo hàng đầu thế giới tới Trung Quốc hàng năm. Một số sự kiện quả đúng như là các màn trình diễn, chẳng hạn Thế vận hội Bắc Kinh 2008, World Expo Thượng Hải 2010, và các cuộc họp hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2014. Trong năm 2016, các hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu dự kiến ​​sẽ mang đến một cuộc trình diễn không kém phần công phu.

Tiếp theo là các chương trình trao đổi của Chính phủ. Cục quốc tế của ĐCS Trung Quốc (và tổ chức trước của nó, Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Đương đại của Trung Quốc) triệu tập một hội nghị hàng năm được gọi là "Đảng và Đối thoại Thế giới" đã thu hút nhiều chính trị gia và trí thức nước ngoài đến Trung Quốc với toàn bộ chuyến đi được miễn phí. Học viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc phối hợp với Bộ Ngoại giao, từ lâu đã có cách tiếp cận tương tự. Chương trình như thế này là cách khôn ngoan để ĐCSTrung Quốc vun đắp các mối quan hệ với các chính trị gia nhiều triển vọng trên toàn thế giới. Qũy Trao đổi Mỹ-Trung có trụ sở đặt tạiHong Kong (The Hong Kong based China-US Exchange Foundation) trong khi đó, khuếch trương tiếng nói của các học giả Trung Quốc thông qua các trang web của mình và thúc đẩy các vị trí của chính phủ Trung Quốc thông qua các tài trợ nghiên cứu cho các tổ chức của Mỹ. Cho đến nay, Trung Quốc chưa có được các trung tâm nghiên cứu đại học hoặc các giáo sư danh tiếng. Nếu và khi có thể, Trung Quốc sẽ học điều này từ phương Tây khi đang có những giới hạn thực sự trong việc mua ảnh hưởng chính trị ở các trường đại học và trong các học giả.

Quân đội Trung Quốc cũng duy trì cho mình các tổ chức: Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Trung Quốc ( The China Institute of International Strategic Studies) và Quỹ Trung Quốc về Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (The China Foundation for International and Strategic Studies). Cả hai tổ chức này đều liên kết với tình báo quân sự và đều là các đầu mối chính mời các chuyên gia an ninh nước ngoài đến Trung Quốc. Hai tổ chức đều có chương trình phát thanh, truyền hình và thu nhận thông tin: ngoài việc giải thích quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề chiến lược và quân sự cho người nước ngoài, họ còn thu thập các ý kiến quan điểm và thông tin tình báo từ các chuyên gia và quan chức nước ngoài.

Một số các cố vấn chính sách ngoại giao của Trung Quốc thực hiện một chức năng kép. Trong đó, điều quan trọng nhất là các Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, tất cả các viện này đều là các cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc. Ở một mức độ thấp hơn, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cũng tương tự như vậy, nhưng phạm vi nghiên cứu rộng lớn hơn. Trong năm 2009, các nhà tài trợ tư nhân thành lập Viện Charhar, tập trung chủ yếu vào việc cải thiện hình ảnh ở nước ngoài của Trung Quốc. Nhìn chung, tập đoàn các viện nghiên cứu được tài trợ hậu hĩnh này cùng các sáng kiến Trung Quốc là nhằm để thúc đẩy danh tiếng của quốc gia trên toàn thế giới, một minh chứng cho nỗ lực ưu tiên của Bắc Kinh.

Tuy nhiên với số tiền hàng tỷ đô la chi tiêu vào những nỗ lực này, vẫn chưa thấy biểu hiện gì về sự cải thiện hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc mà ít nhất được đo bằng các cuộc điều tra dư luận. Trên thực tế, hình ảnh của đất nước đã ngày càng xấu đi. Một cuộc thăm dò của BBC năm 2014 cho thấy từ năm 2005, đánh giá tích cực về ảnh hưởng của Trung Quốc đã giảm 14 % và 49 % người được hỏi đều nhìn nhận Trung Quốc với thái độ tiêu cực. Đáng ngạc nhiên, theo một khảo sát thực hiện năm 2013 của Dự án Thái độ toàn cầu (Global Attitudes Project) thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, sự sụt giảm quyền lực mềm của Trung Quốc là rõ ràng ngay cả ở châu Phi và châu Mỹ Latin, tại các khu vực mà người ta nghĩ rằng sức hấp dẫn của Trung Quốc sẽ là mạnh nhất.

David Shambaugh, giáo sư Khoa học Chính trị và Đối ngoại, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc Đại học Tổng hợp George Washington. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Văn Cường (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

DÙ CÓ CỐ ĐÁNH BÓNG MÌNH NHƯ THẾ NÀO ĐI NỮA TÀU CỘNG KG THỂ NÀO NÓI CỤC CỨT LÀ CỤC VÀNG ĐƯỢC VÌ BẢN CHẤT TÀU CỘNG LÀ NHƯ VẬY RỒI.