Pages

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Hà Nội: Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tọa đàm công khai về quyền tự do lập hội

Tiếp theo hai cuộc sinh hoạt công khai ở nơi công cộng tại Sài Gòn của chi hội miền Nam thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, vào sáng 21/11/2015, Chi hội miền Bắc thuộc tổ chức xã hội dân sự này đã tổ chức buổi Tọa đàm công khai về Quyền tự do lập Hội ở Việt Nam tại quán cà phê Molstar, số 19 đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội.
Khách quốc tế bao gồm David V. Muehlke - Viên chức của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, ông Graham Knight - Trưởng bộ phận chính trị của Tòa Đại Sứ Anh Quốc, và ông Gustav Dahlin tuỳ viên chính trị Tòa Đại Sứ Thụy Điển.

Vào tháng 6/2015, Bộ Nội vụ Việt Nam đã công bố Dự thảo Luật về Hội để lấy ý kiến từ các cơ quan nhà nước, các địa phương và người dân. Nhưng nhiều số nội dung trong dự luật này đã bị phê phán mạnh từ giới xã hội dân sự.
Các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã nêu những ý kiến phản biện đối với dự luật trên:
  • Quyền lập hội là quyền hiến định, bất cứ người dân nào cũng có quyền lập hội và tham gia hội. Do đó việc lập Hội chỉ cần GHI DANH và CÔNG BỐ, ĐĂNG KÝ, chứ không cần xin phép và đợi sự cho phép của cơ quan Nhà nước.
  • Việc đưa ra quá nhiều quy định về giấy phép, những rào cản đăng ký, xin phép… chính là hành động chính trị để ngăn cấm các hội đoàn xã hội dân sự độc lập ra đời, chứ không phải chỉ làm khó cho họ trong quá trình hoạt động.
  • Điều 8 của dự luật về hội quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc “xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc” (Khoản 2). Mục đích của Điều 8 là nhằm cấm các hội đoàn độc lập, các hội đoàn bảo vệ nhân quyền, các hội đoàn của những người đối lập... không được thành lập và hoạt động; và tạo điều kiện dễ dàng để chính quyền vu khống, buộc tội tùy tiện những người làm nhiệm vụ vận động thành lập các hội đoàn độc lập. Ngoài ra, các điều cấm đoán đã trích dẫn trên đây rất mơ hồ, tạo điều kiện để chính quyền toàn quyền diễn giải cách hiểu và áp dụng theo ý riêng của mình.
  • Khoản 3 Điều 9 dự luật về hội quy định các hội đoàn ra đời sau thì lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập “hợp pháp” trước đó. Điều này một lần nữa tạo ưu thế tồn tại độc tôn của các hội đoàn nằm dưới ô dù của Nhà nước, và ngăn cản sự thành lập của các hội đoàn độc lập, không đăng ký trong cùng một phạm vi hoạt động. Trong thực tế, hầu hết các hội đoàn thuộc xã hội dân sự thành lập sau này đều có những lãnh vực hoạt động trùng với các lãnh vực của hội đoàn nhà nước. Nếu căn cứ vào những lãnh vực chính đó, thì sẽ không có một tổ chức xã hội dân sự độc lập nào được tồn tại.
Để đáp ứng với yêu cầu về nhân quyền trong nước và quốc tế, Nhà nước CSVN phải thỏa mãn việc xây dựng Luật lập Hội đáp ứng với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Ví dụ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ trước tới nay chưa từng tổ chức được một cuộc biểu tình nào cho công nhân để đáp ứng những quyền lợi, lợi ích chính đáng của họ. Trong khi đó công đoàn độc lập là một yếu tố cực kỳ cần thiết, phù hợp với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP. Do đó phải có Công đoàn độc lập làm đối trọng thì mới có thể giải quyết được một số quyền lợi của người lao động.
Cần đổi tên “Luật về Hội” thành “Luật về Quyền lập Hội” để phù hợp với tinh thần của Điều 22 trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị là công nhận và bảo vệ Quyền tự do lập hội của người dân. Một dự luật về hội đoàn mà không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về Quyền tự do lập hội, sẽ là một bước lùi nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng nền pháp trị ở Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: