Pages

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Điểm lại những vụ ngư dân Việt bị tàu Trung cộng tấn công

Vụ một ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu Trung cộng bắn chết ở Trường Sa hôm chiều tối 28-11, tiếp tục là câu chuyện của giọt nước đã làm tràn ly nước đầy.
Nghe tin dữ ngoài khơi báo về, vợ anh Bảy đã ngất xỉu (ảnh: Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu)
Sở dĩ có thể gọi thẳng tên là tàu Trung cộng, vì vỏ đạn thu được trên tàu mà ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết là vỏ đạn súng AK Trung cộng, nhóm người bắn có trang phục của ngư dân Trung cộng. Lần nổ súng hồi tháng 9 vừa qua vào 2 tàu cá Việt Nam ở vùng biển Kiên Giang, là loạt đạn súng máy của tàu cảnh sát biển Thái Lan.

Sáng ngày 30-11, nhà cầm quyền vẫn tránh dùng từ “tàu Trung cộng”. Trong bản lên tiếng của Hội nghề cá Việt Nam, ông Võ Văn Trác, phó Chủ tịch thường trực, nói: “Hội nghề cá Việt Nam cực lực phản đối, lên án hành động này. Việc bắn chết người là một hành động dã man. Đó là việc làm phi nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng đến người và tài sản của ngư dân Việt Nam”.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Lưu Văn Huy, nói: “Dù là lực lượng chấp pháp khác hay bất cứ lực lượng nào có hành động dùng vũ lực tấn công, bắn chết ngư dân ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đó là những hành động không thể nào chấp nhận được. Thông tin phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng quy rõ trách nhiệm đối với những cá nhân lực lượng chấp pháp nước ngoài đã gây ra đối với ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền”.
Sau sự kiện Trung cộng mang giàn khoan vào khai thác ở vùng biển Việt Nam năm 2014, từ đó đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có gần 20 lượt tàu bị tàu Trung cộng tấn công, một số tàu thuyền bị tấn công nhiều lần. Mặc dù vậy ngư dân chỉ bị cướp tài sản, đánh trọng thương. Ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết là trường hợp đầu tiên.
Sáng 14-6-2015, khi tàu QNg 90205 TS của ngư dân Nguyễn Văn Quang đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị tàu Trung cộng tấn công. Những người trên tàu Trung cộng đã lấy đi khoảng 5 tấn hải sản cùng máy Icom, định vị và phá hỏng nhiều ngư lưới cụ trên tàu QNg 90205 TS, tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Trước đó, sáng 7-6, khi tàu cá QNg 95193 TS đang neo đậu ở Hoàng Sa thì bất ngờ tàu Trung cộng xuất hiện. Các ngư dân chưa kịp phản ứng thì bị tàu Trung cộng xịt vòi rồng xối xả. Cố hết sức, các ngư dân điều khiển tàu né tránh nhưng vẫn bị tàu Trung cộng đuổi theo tiếp tục xịt vòi rồng. “Cabin tàu cá bị hỏng. Lúc đó, anh em ngư dân chạy ra hướng mũi tàu ra hiệu đề nghị phía Trung cộng đừng xịt nước nữa. Ngay lập tức, những người trên tàu Trung cộng hướng vòi rồng xịt thẳng vào anh em chúng tôi khiến ai nấy đều té ngã. Tôi may mắn chụp được sợi dây neo nên không bị rớt xuống biển” - ngư dân Bùi Tấn Đoàn nhớ lại. Vụ tấn công dã man của tàu Trung cộng khiến anh Bùi Tấn Đoàn bị gãy chân, còn ngư dân Cao Xuân Lý bị thương nặng ở vùng đầu. Lo họ nguy hiểm đến tính mạng, thuyền trưởng Nguyễn Trung Kiên gửi cả 2 qua tàu QNg 90369 TS của ông Nguyễn Tấn Cu để trở về đất liền.
Ngoài 2 tàu nêu trên, sáng 13-6, tàu cá QNg 90657 TS của ngư dân Nguyễn Văn Phú đã cập cảng Sa Kỳ trong tình trạng tơi tả sau khi bị Trung cộng tấn công ở Hoàng Sa. Toàn bộ ngư lưới cụ, hải sản mà tàu đánh bắt được đều bị phía Trung cộng cướp, phá sạch sẽ. Tổng thiệt hại của tàu QNg 90657 TS khoảng 600 triệu đồng.
Nói về sự thô bạo của tàu Trung cộng, ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh - chủ tàu cá QNg 96017 TS ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết gần 20 năm bám biển Hoàng Sa, chưa bao giờ ông thấy Trung Quốc hung hăng như hiện nay: “Cuối tháng 5 vừa qua, khi tàu của tôi đang khai thác tại khu vực đảo Bom Bay (Hoàng Sa) thì tàu hải cảnh của Trung cộng xuất hiện dùng vòi rồng tấn công. Dù đã chủ động đề phòng nhưng những đợt vòi rồng cường độ mạnh từ tàu Trung cộng đã hất tung mọi thứ trên cabin và boong tàu của tôi, thiệt hại gần 140 triệu đồng, may là không ngư dân nào bị thương”.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn - nghiệp đoàn hiện có 25 tàu với khoảng 300 lao động đánh bắt ở Hoàng Sa. “Qua máy Icom từ ngư dân báo về, hiện nay Trung cộng rất ngang ngược. Thấy tàu cá ngư dân Việt Nam, họ liền phát loa cảnh báo, cho tàu ra xua đuổi” - ông cho biết.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Không có nhận xét nào: