Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Việt Nam đã thực sự tụt hậu do phát triển ‘lạc điệu’

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với phần còn lại của thế giới vì mô hình phát triển “lạc điệu.”

                   Nền kỹ nghệ của Việt Nam phần lớn chỉ là gia công. Nhập cảng vải sợi và
                   phụ tùng, may rồi xuất cảng được coi là một trong những ngành “mũi nhọn”
                                   của Việt Nam. (Hình: AFP/Getty Images)

Đây là ý kiến của những người từng đóng góp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam trước đây, nay không còn ở trong guồng máy của chế độ mới đưa ra những lời thú nhận muộn màng về đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đầu ngô mình sở đã và đang làm hại nước Việt Nam.

Ngày Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn tường thuật cuộc hội thảo có nội dung “tổng kết 30 năm đổi mới giai đoạn 1986 - 2015” được tổ chức cùng ngày tại Hà Nội. Tham dự và phát biểu là những người như ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, Tiến Sĩ Nguyễn Quang Thái, nguyên viện phó Viện Chiến Lược Phát Triển, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Khoan, ông Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến Lược, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư v.v...

Thanh minh trước với hy vọng tránh bị trù dập vì “trống đánh xuôi kèm thổi ngược,” ông Trần Đình Thiên đã phải “rào trước” rằng diễn đàn nhằm hưởng ứng tinh thần nghị quyết 62 của chính phủ trong phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8, 2015 nhằm tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam so sánh với phần còn lại của thế giới.

Trong tinh thần đó, ông Nguyễn Quang Thái nói thẳng ra rằng: “Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả. Tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới,” ông nói.

“Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới,” ông nói tiếp, theo TBKTSG dẫn lại.

Cuối tháng 8, 2015, tờ Người Lao Động dẫn lại một báo cáo tổng hợp của tổng Cục Thống Kê cho hay

“GDP (lợi tức) bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia; 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore. Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm; sau Malaysia 25 năm; Thái Lan 20 năm; sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.”

Trong khi đó, bản báo cáo vừa kể cho biết, về cân đối tài khóa, tình trạng bội chi ngân sách và nợ công của Việt Nam “đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Tỉ lệ nợ chính phủ so với GDP xếp thứ 9 trong khu vực ASEAN (năm 2001) đã tăng lên thứ 5 (năm 2013). Thị trường tài chính của Việt Nam phát triển tương đối thấp và còn nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực.”

Góp ý kiến trong cuộc hội thảo, ông Vũ Khoan than rằng cho đến nay, vẫn còn tranh cãi thế nào là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” rồi “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo” của nền kinh tế cũng cãi nhau suốt 30 năm qua.

Còn ông Lưu Bích Hồ thì cũng không giấu giếm rằng: “Những khái niệm như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo,... như ‘vòng kim cô’ ghì chặt sự phát triển của đất nước.”

Chứng minh cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng tụt hậu, ông Trần Đình Thiên chỉ ra rằng, “đến năm 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc ở thời điểm 2011, và chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore. Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.”

Nói cách khác, theo ông Thiên, sau 30 năm đổi mới, “dù nhìn ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn đang cách rất xa so với các nước đi trước” trong khi các nước người ta vẫn cứ tiến nhanh về phía trước.

Những lời than thở của các chuyên gia kinh tế của chế độ rõ ràng “lạc điệu” khi chế độ Hà Nội chuẩn bị phe đảng đấu đá và cài cắm nhân sự cho kỳ đại hội đảng vào đầu năm tới. Bản dự thảo báo cáo chính trị - xã hội dự trù sẽ được đọ ở kỳ đại hội đảng đó vẫn “kiên trì tiến lên xã hội chủ nghĩa” và chủ trương chính sách kinh tế thì cũng vẫn “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Từ đầu năm 2015 đến nay nay, nhiều bài viết có nội dung ca ngợi “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta” xuất hiện trên cả nhật báo cũng như báo tuyên truyền của quân đội, báo lý luận chính trị của đảng CSVN.

Ttrong khi đó, tháng 9 năm ngoái, người dân ở Việt Nam rất ngỡ ngàng khi thấy báo chí loan tin hãng điện tử Samsung (đầu tư sản xuất tại Việt Nam) cần mua hàng trăm linh kiện hoặc phụ tùng từ các công ty của Việt Nam nhưng không có công ty nào cung cấp nổi dù một cái đinh ốc.

Trong một báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam 2014 mà Ngân Hàng Thế Giới (WB) phát hành năm ngoái. WB cho rằng, số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục gia tăng vì thiếu vốn, mãi lực yếu và môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Nhờ không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý nhà nước, các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam nay trở thành nguồn tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất cảng và tạo ra 1/4 việc làm.

“Vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì,” ông Trần Đình Thiên biết vậy, nói như vậy trong cuộc hội thảo ngày 19 tháng 11, 2015 nhưng chế độ Hà Nội vẫn “kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhìn nhận “Đến hết thế kỷ này không biết đã có XHCN hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” (TN)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: